- Tin tức
- Chi tiết tin tức
Sức hút từ thị trường lao động Nhật Bản
Thị trường lao động Nhật Bản có sức hút lớn đối với lao động Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Trị nói riêng. Bên cạnh thu nhập ổn định, nhiều công việc để lựa chọn, môi trường làm việc tốt, lao động Việt Nam sang Nhật Bản làm việc khi hết thời hạn hợp đồng về nước có cơ hội phát triển sự nghiệp do đã vững tay nghề và có tác phong kỷ luật tốt.
Trong tổng số 89.874 lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc 7 tháng đầu năm 2024, có 45.425 người chọn đến Nhật Bản. Điều đó cho thấy thị trường Nhật Bản có sức hút đối với người lao động Việt Nam.
Theo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh, năm 2023, trong số hơn 2.823 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thì có đến 1.500 lao động đi Nhật Bản. 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 580 lao động đi làm việc tại Nhật Bản.
Dù có việc làm ở địa phương nhưng anh P.C.Q. (sinh năm 1999) ở tại xã Ba Lòng, huyện Đakrông, quyết tâm đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Liên hệ với chúng tôi qua facebook, anh Q. cho biết, mình sang Nhật Bản theo diện thực tập sinh để học tập và trải nghiệm công việc trong ngành thực phẩm mà mình yêu thích.
Mới đầu ra nước ngoài, anh Q. khá bỡ ngỡ, gặp một số khó khăn để hòa nhập. Nhờ được doanh nghiệp quan tâm, cung cấp chỗ ở đầy đủ tiện nghi, đảm bảo riêng tư nên anh yên tâm, bắt nhịp với công việc. Qua hơn 2 năm làm việc, anh Q. khẳng định sự lựa chọn sang Nhật Bản của mình là đúng hướng, tích lũy được nhiều kinh nghiệm bổ ích cho nghề nghiệp.
Hằng ngày, ngoài thời gian làm việc chính thức, anh Q. tranh thủ tăng ca để kiếm thêm thu nhập. Anh dự định sau khi hết hợp đồng 3 năm sẽ xin gia hạn thêm 2 năm nữa. Với vốn liếng dành dụm được sau khi về nước, anh sẽ mở dịch vụ kinh doanh thực phẩm. Anh Q. cho biết, đi làm việc cùng đợt với mình qua Nhật Bản có 8 người quê Quảng Trị. Mọi người đều làm chung một doanh nghiệp nên luôn cảm thấy vui vẻ, ấm áp như ở quê nhà.
Thị trường lao động Nhật Bản luôn là mối quan tâm hàng đầu của người Quảng Trị khi chọn đi làm việc ở nước ngoài. Gia đình anh L.Đ.D. (sinh năm 1986) ở xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, có 4 anh em thì có đến 2 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tại Nhật Bản và Hàn Quốc.
Anh D. cho biết, hiện Nhật Bản có nhu cầu nhân lực rất lớn đối với nhiều ngành nghề như: sản xuất thực phẩm đồ uống, xây dựng, chế tạo máy, thông tin điện tử, bảo dưỡng ô tô, công nghiệp đóng tàu, thiết bị hàng hải, nông nghiệp, ngư nghiệp và điều dưỡng...
Bản thân anh làm việc trong ngành nông nghiệp đã gần 3 năm, có thu nhập khá tốt, hằng tháng đều đặn gửi tiền về cho vợ, con. Để lo cho tương lai các con sau này, vợ anh D. ở nhà gánh vác trách nhiệm chăm sóc gia đình để anh ra nước ngoài làm việc.
“Mỗi người chịu vất vả một chút để sau này có thêm điều kiện làm ăn, nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn. Đó là mục tiêu lớn nhất của vợ chồng tôi”, anh D. chia sẻ.
Thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), số lao động Việt Nam đi làm việc ở Nhật Bản trong 5 năm trở lại đây tăng nhanh qua từng năm, chiếm 50% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài hàng năm. Năm 2023, Việt Nam vượt Trung Quốc, trở thành nhóm lao động nước ngoài lớn nhất tại Nhật Bản với hơn 518.000 người.
Những yếu tố góp phần thúc đẩy số lượng lao động đến Nhật Bản ngày càng đông là nhờ chính sách về hợp tác lao động giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản; môi trường làm việc an toàn; thu nhập ổn định và người lao động có cơ hội tiếp cận kỹ thuật, công nghệ hiện đại...
Đặc biệt, Nhật Bản đang thiếu hụt lao động trong nước nên cần tuyển dụng nhiều lao động nước ngoài để bù đắp. Nghiên cứu mới nhất của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cho thấy, ước tính nước này thiếu hụt 970.000 lao động nước ngoài vào năm 2040.
Hiện Nhật Bản đang phải cạnh tranh ngày càng gay gắt để thu hút nguồn lực quốc tế khi Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) cũng đang thu hút lao động để củng cố lực lượng lao động bị giảm sút. Do vậy, Nhật Bản tiếp tục có chính sách mở cửa, tạo thuận lợi trong tiếp nhận nguồn nhân lực từ bên ngoài với việc thông qua luật mới về tiếp nhận lao động nước ngoài vào tháng 6 vừa qua.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, nhân lực lao động Việt Nam có ý thức kỷ luật cao trong công việc nên được nhiều doanh nghiệp ở Nhật Bản mong muốn tiếp nhận. Hiện Việt Nam và Nhật Bản đang phối hợp triển khai Dự án “Hỗ trợ kết nối thông tin việc làm cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”.
Dự án này nhằm hỗ trợ người lao động Việt Nam tìm việc phù hợp tại nước ngoài theo đúng nhu cầu; hỗ trợ người lao động sau khi về nước tiếp cận đầy đủ thông tin việc làm trong nước thông qua tuyển dụng từ các doanh nghiệp và hỗ trợ các doanh nghiệp dịch vụ tiếp cận tốt hơn với lao động có nhu cầu việc làm.
* NGUỒN THAM KHẢO
Bài viết: Sức hút từ thị trường lao động Nhật Bản ?
Báo: baoquangtri
Ngày:21/10/2024
Link đến bài gốc: Sức hút từ thị trường lao động Nhật Bản
* CƠ HỘI VIỆC LÀM
Nhà tuyển dụng: Công Ty TNHH Vietseiko
Tin tức liên quan
Theo Bản tin thị trường lao động quý III/2024 vừa được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) công bố, trong quý III/2024, cả nước có 1,05 triệu người thất nghiệp trong độ tuổi lao động, giảm 22,2 nghìn người so với quý II và giảm 24,3 nghìn người so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi duy trì ở ngưỡng 2,24%, song tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên vẫn ở mức cao, với 7,75%.
Người lao động tìm hiểu chỉ tiêu tuyển dụng tại phiên giao dịch và tư vấn việc làm huyện Ba Vì năm 2024. |
Quý III, cả nước ghi nhận hơn 243.700 người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, giảm mạnh so với quý trước và cùng kỳ năm trước, lần lượt giảm 91,7 nghìn người và 47,8 nghìn người. Số lao động có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp trong quý III là gần 256.200 người; 256.175 lượt người được tư vấn việc làm; gần 48.400 người được giới thiệu việc làm. Số người được hỗ trợ học nghề là gần 6.800 người.
Xét theo trình độ chuyên môn, lao động không có bằng cấp, chứng chỉ vẫn thuộc nhóm có số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn nhất, chiếm 62,4%. Theo sau là nhóm có trình độ đại học trở lên với 17,1%; nhóm có trình độ cao đẳng chiếm 7,1%. Trong khi đó, nhóm trình độ trung cấp và có chứng nhận, chứng chỉ nghề sơ cấp, tỷ lệ nộp hồ sơ đề nghị hưởng gần tương đương nhau, lần lượt là 6,6% và 6,8%.
Theo nhóm ngành, số lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp nhiều nhất thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 46% trong tổng số đăng ký; theo sau là hoạt động dịch vụ khác, chiếm 29,8%. Trong nhóm 5 ngành có lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn nhất trong quý III còn có nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản; xây dựng; bán buôn và bán lẻ, sửa chữa ô tô, mô tô, xe máy và xe có động cơ khác. Thợ may, thêu và các thợ có liên quan dẫn đầu trong 5 nhóm nghề có lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp lớn nhất, chiếm 22,6%. Ngoài ra còn có nhóm nghề thợ lắp ráp; nhân viên bán hàng; kế toán; người đưa tin, người giao hàng.
Nhận định thị trường lao động trong quý IV/2024, Bộ LĐTBXH dự báo khoảng 51,68 triệu người có việc làm, tăng thêm 116 nghìn người so với quý trước. Dự kiến, sản xuất giường, tủ, bàn, ghế; sản xuất các sản phẩm từ cao su và plastic; sản xuất, chế biến thực phẩm là những ngành sẽ tăng thêm nhu cầu tuyển dụng, lần lượt tăng 4,5%; 3,6%; 2,4%. Tuy nhiên, cũng có một số ngành dự kiến giảm việc làm như: Khai thác than cứng và than non; sản xuất thiết bị điện; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.
Doanh nghiệp tăng tốc tuyển dụng
Tín hiệu khởi sắc cũng được ghi nhận tại thị trường Hà Nội thời điểm cuối năm. Theo số liệu thu thập thông tin việc làm từ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội, dự báo thời điểm cuối năm, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp khoảng 120.000 - 150.000 lao động, tập trung vào các vị trí như nhân viên bán hàng, dịch vụ, công nhân kỹ thuật, thợ, chuyên viên nghiệp vụ, kỹ thuật viên…
Ông Vũ Quang Thành - Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhận định, nhu cầu tuyển dụng có xu hướng gia tăng trong mùa cao điểm từ nay đến cuối năm, bởi đây là giai đoạn nước rút cho các ngành bán lẻ, thương mại điện tử và dịch vụ, hơn nữa, nhu cầu mua sắm và tiêu dùng cuối năm cũng tăng cao hơn so với các thời điểm khác trong năm. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng đang đẩy mạnh tuyển dụng lao động thời vụ để phục vụ các chương trình khuyến mãi lớn và sự kiện như Giáng sinh, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán 2025. Về mức lương, các vị trí dao động từ 7 - 15 triệu đồng, song cũng có mức trên 15 - 20 triệu đồng cho nhóm trình độ cao. Ngoài ra còn có mức dưới 7 triệu đồng cho nhóm lao động bán thời gian. “Như vậy, cơ hội việc làm sẽ rất đa dạng với các phân khúc khác nhau để người lao động lựa chọn”- ông Vũ Quang Thành khẳng định.
Thực tế qua ghi nhận tại một số phiên giao dịch việc làm trên địa bàn Hà Nội gần đây có thể thấy, khá nhiều doanh nghiệp tăng nhu cầu tuyển dụng lao động, nhất lao động tự do phục vụ cho đơn hàng, hay đáp ứng việc bán hàng dịp cuối năm. Đáng chú ý, 2/3 tổng số doanh nghiệp tuyển dụng tại Phiên giao dịch việc làm 6 tỉnh thành phố phía bắc đầu tháng 11 vừa qua đều là các doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ, nhà hàng, chăm sóc sắc đẹp, hoặc trung tâm thương mại.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng lao động những tháng cuối năm, đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, Trung tâm sẽ tăng cường kết nối cung – cầu, giới thiệu việc làm cho người lao động, phối hợp với các địa phương tổ chức điểm, cụm, phiên giao dịch việc làm đồng thời, phối hợp với các cơ sở giáo dục đào tạo để tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tuyển dụng người lao động bán thời gian. Cùng với đó, Trung tâm sẽ chú trọng tăng cường kết nối, giới thiệu việc làm cho nhóm lao động đang hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp để họ sớm tìm được việc làm, ổn định cuộc sống.
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội Vũ Quang Thành cũng lưu ý, thời điểm cuối năm có nhiều lựa chọn cho người lao động tìm việc làm, nhất là việc làm thời vụ. Tuy nhiên, người lao động cần tìm hiểu kỹ thông báo tuyển dụng, tránh rơi vào “bẫy” việc nhẹ, lương cao của các đối tượng lừa đảo, khiến tiền mất nhưng không tìm được việc làm.
* NGUỒN THAM KHẢO
Bài viết: Doanh nghiệp tăng tốc tuyển dụng lao động cuối năm ?
Báo: Báo laodongthudo
Ngày: 06 /12/2024
Link đến bài gốc: Doanh nghiệp tăng tốc tuyển dụng lao động cuối năm
* CƠ HỘI VIỆC LÀM
Nhà tuyển dụng: Công Ty TNHH Vietseiko
Link việc làm: Danh sách việc làm tại Việt Nam
Trong bối cảnh hiện nay, các nhà lập pháp Nhật Bản đánh giá cao ý nghĩa và đóng góp từ chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, với việc tăng cường quan hệ song phương, không chỉ giữa hai Quốc hội, mà còn thúc đẩy quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”, được Việt Nam và Nhật Bản xác lập tháng 11/2023, lên một tầm cao mới.
Đây là điều được Hạ nghị sỹ Nhật Bản, ông Soramoto Seiki khẳng định khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú tại Tokyo.
Hạ nghị sỹ Soramoto Seiki trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam thường trú tại Tokyo.
PV: Trước tiên, xin cảm ơn ông đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN. Như chúng ta đã biết, vào tháng 11/2023, Việt Nam và Nhật Bản đã nâng cấp quan hệ ngoại giao lên tầm “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới”. Theo ông, sự hợp tác tốt đẹp giữa Quốc hội Việt Nam với Nghị viện Nhật Bản đã đóng góp như thế nào vào sự phát triển quan hệ của hai nước?
Hạ nghị sỹ Soramoto: Trước tiên xin nhấn mạnh là mối giao lưu giữa nhân dân hai nước Nhật Bản và Việt Nam đang ở trong giai đoạn tốt đẹp nhất từ trước đến nay.
Trong bối cảnh đó, Quốc hội hai nước cũng không ngừng thắt chặt và làm sâu sắc thêm quan hệ và sự gắn bó thân thiết giữa các nghị sỹ. Chính những động thái này của Quốc hội hai nước đã tạo một sự hứng khởi cho cả hai bên, góp phần làm quan hệ mọi mặt giữa hai nước không ngừng phát triển, với đỉnh cao là việc hai nước trở thành “Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới” vào cuối năm ngoái.
Những đóng góp của Quốc hội hai nước cho việc phát triển quan hệ hai nước là rất to lớn và quan trọng, liên quan đến thể chế, chính sách và các hoạt động cụ thể.
Tuy nhiên, phía Nhật Bản sẽ không dừng ở mức độ đó, mà tới đây, từ nhiều bình diện, lĩnh vực, sẽ tiếp tục nỗ lực để tăng cường hợp tác, làm sâu sắc thêm quan hệ song phương. Các nghị sỹ cũng sẽ tiếp tục nỗ lực để mở rộng hợp tác. Thêm nữa, chúng ta sẽ cùng hướng tới những hợp tác thực chất, hiệu quả trên mọi lĩnh vực, từ kinh tế đến an sinh xã hội… Và các nghị sỹ quốc hội sẽ chung tay hỗ trợ nhằm đưa quan hệ hai nước tiếp tục phát triển tốt đẹp.
PV: Tới đây, Quốc hội hai nước cần làm gì để thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa hai nước? Và cá nhân ông, với tư cách là một nhà lập pháp, ông có kế hoạch cụ thể nào liên quan đến mục tiêu này không, thưa ông?
Hạ nghị sỹ Soramoto: Như chúng ta đã biết, năm 2009, Nhật Bản và Việt Nam đã ký kết Hiệp định đối tác kinh tế (JVEPA) song phương nhằm làm sâu sắc thêm hợp tác kinh tế giữa hai nước. Với Hiệp định này, hai nước đã đưa hợp tác kinh tế lên một tầm cao mới. Nhật Bản đã và đang hỗ trợ Việt Nam trên một số lĩnh vực như xây dựng cơ sở hạ tầng, cung cấp nguồn vốn hợp tác phát triển chính thức (ODA)…
Trên nền tảng đó, và trong hoàn cảnh như hiện nay, để tăng cường hợp tác, song song với việc thúc đẩy giao lưu nhân dân, chúng ta nên bắt đầu từ lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực.
Việc Việt Nam phái cử các chuyên gia và nguồn nhân lực chất lượng cao của mình sang Nhật Bản và ngược lại, Nhật Bản phái cử chuyên gia, kỹ sư sang Việt Nam để cùng giao lưu, học hỏi lẫn nhau và cùng làm việc đang trở nên hết sức quan trọng và có ý nghĩa sâu sắc.
Tiếp đó, khi giao lưu, trao đổi nguồn nhân lực trở nên thường xuyên, hai nước cần cân nhắc việc ký kết Hiệp định hợp tác an sinh xã hội song phương, thậm chí, tính đếm đến những tầm nhìn cao hơn và xa hơn cho hợp tác với đúng tầm “chiến lược”.
Để thực hiện những mục tiêu này, Quốc hội hai nước cần đưa vào lộ trình xây dựng chính sách, pháp luật của mỗi nước để thảo luận, tìm ra những đường hướng, biện pháp nhằm tạo những cơ sở pháp lý cần thiết cho tương lai.
Cá nhân tôi cũng có những kế hoạch riêng để tăng cường hợp tác với Việt Nam và sẽ tiếp tục tập trung sức lực, trước tiên là để góp phần thắt chặt quan hệ giữa hai cơ quan lập pháp của hai nước và tiếp theo là làm sâu sắc thêm quan hệ giữa các cơ quan liên quan của hai bên, để chung sức hiện thực hóa mục tiêu chung.
PV: Theo ông, chuyến thăm Nhật Bản lần này của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn có ý nghĩa và những đóng góp như thế nào cho việc tăng cường quan hệ song phương, trong đó có Quốc hội của hai nước?
Hạ nghị sỹ Soramoto: Về chuyến thăm Nhật Bản lần này của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn, có thể nói chắc chắn rằng hoạt động ngoại giao nghị viện quan trọng này sẽ góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ tin cậy và sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nhà lập pháp hai nước.
Chúng tôi đặt nhiều hy vọng vào chuyến thăm này. Ngoài việc thúc đẩy quan hệ giữa con người với con người, chúng tôi mong muốn Ngài Chủ tịch Quốc hội Việt Nam sẽ tập trung thảo luận sâu và cụ thể với phía Nhật Bản về hợp tác công nghiệp, khoa học - kỹ thuật giữa hai nước cùng các biện pháp tăng cường liên kết trong lĩnh vực này. Điều này sẽ góp phần vào quá trình xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng của cả Nhật Bản lẫn Việt Nam, đồng thời sẽ là động lực để quan hệ đối tác chiến lược toàn diện song phương tiến xa hơn trong thời gian tới.
Cá nhân tôi là người nghiên cứu về kỹ thuật, nhất là nguyên tử lực và từ góc nhìn cá nhân, tôi nhận thấy Việt Nam còn rất nhiều dư địa để phát triển. Trong một tương lai rất gần, nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam sẽ phát triển nhanh và mạnh. Chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Trần Thanh Mẫn có tính thời điểm rất đúng lúc, kịp thời để đón đầu làn sóng này, và sẽ góp phần to lớn cho việc tạo thể chế để thực hiện nhiều mục tiêu chung của hai nước.
* NGUỒN THAM KHẢO
Bài viết:Các nhà lập pháp Nhật Bản kỳ vọng vào chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam ?
Báo: Báo VOV
Ngày: 04 /12/2024
Link đến bài gốc: Các nhà lập pháp Nhật Bản kỳ vọng vào chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam - Báo VOV
* CƠ HỘI VIỆC LÀM
Nhà tuyển dụng: Công Ty TNHH Vietseiko
Link việc làm: Danh sách việc làm tại Việt Nam
Chính sách mới của Nhật Bản sẽ đơn giản hóa thủ tục chuyển đổi nơi thực tập cho thực tập sinh người nước ngoài, bao gồm cả lao động Việt Nam đang làm việc tại nước này khi gặp trường hợp bất khả kháng.
Nới lỏng quy định về chuyển nơi thực tập của thực tập sinh tại Nhật Bản
Cục Quản lý lao động ngoài nước (BộLĐ-TB&XH) vừa thông tin về chính sách mới của Nhật Bản nới lỏng quy định về chuyển đổi nơi thực tập của thực tập sinh nước ngoài, để các doanh nghiệp dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài được biết và thực hiện.
Liên quan đến chương trình thực tập sinh kỹ năng, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết ngày 1/11/2024, Bộ Tư pháp và Bộ Y tế - Lao động & Phúc lợi Nhật Bản đã sửa đổi và ban hành các quy định mới trong Hướng dẫn thực hiện chương trình thực tập kỹ năng.
Trong đó, có việc đơn giản hóa thủ tục chuyển đổi nơi thực tập cho thực tập sinh người nước ngoài khi gặp trường hợp bất khả kháng. Đồng thời, làm rõ các tình huống, hành vi được coi là trường hợp bất khả kháng.
Cụ thể, các tình huống, hành vi được coi là trường hợp bất khả kháng đã được quy định như sau: Thực tập sinh bị vi phạm nhân quyền, bị bạo hành, bị quấy rối (bị dùng lời nói thô bạo, xỉ nhục, lăng mạ, bị cưỡng ép, đe dọa, quấy rối phụ nữ mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ, quấy rối tình dục và lạm dụng quyền lực...).
Công ty tiếp nhận có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm hợp đồng một cách nghiêm trọng, ác ý. Đơn cử như: Bố trí công việc không đúng kế hoạch thực tập, không được trả lương đầy đủ, bị yêu cầu sa thải/về nước khi chưa kết thúc hợp đồng, bị tịch thu hộ chiếu, thẻ cư trú, bị ép làm thêm giờ với thời gian dài, làm việc vào ngày nghỉ lễ, không được trang bị các biện pháp an toàn lao động dù công việc nguy hiểm…
Về thủ tục chuyển đổi nơi thực tập, thực tập sinh có thể nộp đơn đề nghị chuyển đổi nơi thực tập tới nghiệp đoàn quản lý, hoặc công ty tiếp nhận kèm theo các tài liệu chứng minh mình thuộc “trường hợp bất khả kháng” như bản ghi âm, hình ảnh...
Khi nhận được đơn, nghiệp đoàn quản lý phải tiếp nhận, xem xét, xử lý, báo cáo Tổ chức OTIT (Hiệp hội thực tập kỹ năng quốc tế) và phản hồi kết quả cho thực tập sinh.
Đối với quy định về quản lý cư trú áp dụng cho thực tập sinh khi đang tiến hành thủ tục chuyển đổi nơi thực tập hoặc không tìm được nơi thực tập mới: Trường hợp đang tiến hành thủ tục chuyển đổi nơi thực tập, sẽ cho phép thực tập sinh làm việc tạm thời trong giới hạn 28 giờ/tuần nếu cần thiết.
Trường hợp không tìm được nơi thực tập mới, và thực tập sinh mong muốn chuyển sang tư cách lưu trú kỹ năng đặc định, cơ quan chức năng Nhật Bản sẽ cấp tư cách lưu trú tạm hoạt động đặc định, để hỗ trợ chờ chuyển sang tư cách kỹ năng đặc định.
Trong khóa đào tạo tập trung sau khi nhập cảnh, nghiệp đoàn quản lý có trách nhiệm phải giải thích cho thực tập sinh hiểu về quyền được chuyển đổi nơi thực tập khi gặp trường hợp bất khả kháng. Đồng thời, hướng dẫn về các hành vi được coi là vi phạm pháp luật, vi phạm hợp đồng, bị bạo hành..., cũng như quy trình nộp đơn chuyển đổi nơi thực tập.
* NGUỒN THAM KHẢO
Bài viết: Nới lỏng quy định về chuyển nơi thực tập với lao động sang Nhật Bản làm việc ?
Báo: Báo Công an nhân dân
Ngày:25/11/2024
Link đến bài gốc: Nới lỏng quy định về chuyển nơi thực tập với lao động sang Nhật Bản làm việc - Chuyên trang An Ninh Thủ Đô - Báo Công an nhân dân
* CƠ HỘI VIỆC LÀM
Nhà tuyển dụng: Công Ty TNHH Vietseiko
Link việc làm: Danh sách việc làm tại Việt Nam
Thời gian qua, tỉnh Thừa Thiên - Huế rất quan tâm, đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động đi làm việc tại nước ngoài. Hoạt động này vừa giải quyết công ăn việc làm, vừa tạo nguồn thu nhập ổn định cho người dân, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững của phương địa.
Trong Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, dự án 4 về "Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững" là một dự án riêng, trong đó công tác xuất khẩu lao động được nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế quan tâm và đẩy mạnh.
Đối tượng hỗ trợ thuộc Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững gồm người học nghề, lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo; người lao động có thu nhập thấp; Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh có huyện nghèo; các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức và cá nhân có liên quan; các bộ, ngành, địa phương được giao nhiệm vụ thực hiện các hoạt động của Tiểu dự án.
Hạ tầng, đời sống người dân ở Phú Vang đang ngày càng khởi sắc.
Những năm qua, tại Thừa Thiên-Huế, huyện Phú Vang luôn là đơn vị đứng đầu trên toàn tỉnh về công tác đưa người lao động ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng; cũng là một trong những giải pháp mang lại hiệu quả cao trong giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế của địa phương.
Về Phú Vang hôm nay thấy ngày càng "thay da đổi thịt", ngoài phát triển kinh tế biển và nuôi trồng thủy sản thì người Phú Vang lao động tại nước ngoài đóng góp một phần góp nhỏ vào việc phát triển kinh tế.
Đơn cử như trường hợp anh Võ Văn Tố (trú ở Tổ dân phố Viễn Trình, thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang). Năm 2016, anh Tố là một thanh niên "tay trắng". Tuy nhiên, sau khi đi theo diện xuất khẩu lao động, làm việc tại Nhật trong thời gian 5 năm 6 tháng, anh Tố trở về quê hương cùng một số vốn liếng kha khá để tiếp tục phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu; tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động.
"Theo hợp đồng, tôi qua Nhật làm việc tại một công ty sản xuất cơm hộp trong 3 năm. Chăm chỉ làm việc, mỗi tháng sau khi trừ chi phí ăn, ở, sinh hoạt, tôi tiết kiệm được 38 triệu đồng. Hết hạn hợp đồng, tôi được gia hạn thêm 5 năm. Tuy nhiên, làm việc thêm 2 năm 6 tháng, đến tháng 11/2021, tôi quyết định trở về quê, sử dụng vốn liếng và kinh nghiệm công việc đã tích lũy được, phát triển kinh tế", anh Tố kể.
Anh Võ Văn Tố - một điển hình về thoát nghèo nhờ xuất khẩu lao động
Với thực tế mà mình đã trải nghiệm, muốn giới thiệu cho người lao động tiếp cận được với những đơn hàng tốt mà phí lại thấp, nên Tố xin vào làm tại một công ty chuyên về xuất khẩu lao động đi làm việc nước ngoài.
"Công việc hiện tại mang lại thu nhập cho bản thân, đồng thời hỗ trợ người lao động tiếp cận những đơn hàng tốt, với mức phí thấp. Những tháng cuối năm 2023, với sự phối hợp, hỗ trợ của Phòng Lao động -Thương binh & Xã hội (LĐTB&XH) huyện Phú Vang và chính quyền địa phương , chúng tôi triển khai về tận các khu dân cư để tư vấn, giới thiệu các chương trình đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng", Tố chia sẻ.
Từ đầu năm 2022, đến nay anh mở xưởng sản xuất đậu phụ tại thị trấn Phú Đa, đầu tư máy móc theo công nghệ của Nhật, cung cấp mỗi ngày 3 nghìn khuôn đậu phụ cho thị trường Phú Đa và khu công nghiệp trên địa bàn thị trấn; hiện tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động. Lãi ròng từ xưởng sản xuất tầm 30 triệu đồng mỗi tháng. Sắp tới, được chính sách hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, Tố sẽ đầu tư thêm máy móc, đăng ký sản phẩm OCOP, mở rộng sản xuất để cung cấp sản phẩm đến các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, tạo thêm việc làm cho người lao động.
Sau khi tốt nghiệp PTTH, năm 2018, anh Võ Hữu Cảnh (xã Phú Lương) đi Nhật theo diện vừa học vừa làm. Năm đầu tiên học tiếng Nhật, vừa làm mỗi tuần làm 28 tiếng, sau khi trừ chi phí, anh Cảnh tiết kiệm được 15-16 triệu đồng. Khi chuyển đến thành phố lớn hơn, học cao đẳng điều dưỡng, vừa làm tại xưởng sản xuất bánh mỳ, thu nhập tăng lên 40 triệu đồng/mỗi tháng (chưa trừ chi phí). 4 năm vừa học vừa làm tại Nhật, với số tiền tích lũy gần 800 triệu đồng, anh Cảnh về quê, giúp cha mẹ sửa chữa nhà và mở rộng mô hình chăn nuôi; thử nghiệm mô hình nuôi lươn.
Anh Cảnh cũng đang làm việc tại một công ty xuất khẩu lao động, phụ trách khu vực Phú Vang. Với sự phối hợp, hỗ trợ của Phòng LĐTB&XH huyện, UBND các xã, thị trấn và cán bộ thôn, trong 9 tháng đầu năm 2023, anh Cảnh cùng công ty đã tuyển dụng được 15 lao động sang Nhật làm việc. Có 10 bạn học cùng Trường PTTH Nguyễn Sinh Cung (thị trấn Phú Đa) sang Nhật diện vừa học vừa làm, đợt với Cảnh, nay vẫn ở lại làm việc tại Nhật.
Năm 2019, ở xã Phú Lương có 7 thanh niên đi diện XKLĐ. Anh Nguyễn Văn Nghĩa là 1 trong 7 thanh niên đó đã tiết kiệm được 1,5 tỷ đồng. Anh Phan Đăng Sơn (xã Phú Xuân) XKLĐ ở Nhật, trở về năm 2022 đã mua được nhà ở phố và sử dụng vốn liếng tích lũy được để kinh doanh, phát triển kinh tế. Anh Nguyễn Bình (xã Phú Gia) XKLĐ tại Hàn quốc, về lại quê hương, mở khu vui chơi cho trẻ em tại địa phương…
Hiệu quả của việc hỗ trợ vay vốn chính sách cho người đi lao động nước ngoài
Công tác đưa người lao động trên địa bàn huyện Phú Vang đi làm việc ở nước ngoài có thời hạn theo hợp đồng, trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Ở đó, người lao động tham gia xuất khẩu lao động được giải quyết việc làm, đem lại nguồn thu nhập chăm lo cho gia đình, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững ở địa phương, đồng thời nâng cao trình độ khả năng tay nghề và tác phong công nghiệp cho bản thân.
Đến nay huyện Phú Vang có số lượng người đi làm việc tại nước ngoài dẫn đầu toàn tỉnh. Hàng năm (trừ thời gian dịch COVID-19 bùng phát, diễn biến phức tạp), Phú Vang có từ 400- 500 người lao động ra nước ngoài làm việc.
Và có một thực tế rằng, địa phương nào có nhiều người định cư và làm việc tại nước ngoài thì đều làm bộ mặt làng quê ở đó thay đổi hẳn. Ở Phú Vang những ngôi nhà biệt thự không phải là hiếm, tuy nhiên nó lại tập trung ở những nơi có người đi làm việc và sinh sống tại nước ngoài.
Một vùng quê khang trang ở Phú Vang có nhiều người định cư, xuất khẩu lao động
Theo ông Trần Nhơn Mâng, Trưởng phòng LĐTB&XH, để công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt hiệu quả cao, quan trọng nhất vẫn là thực hiện tốt tuyên truyền, làm cho người lao động nhận thức được đây con đường làm giàu nhanh nhất, chính đáng.
Vậy nên, Phòng LĐTB&XH luôn lựa các doanh nghiệp có uy tín, có hiệu quả trong việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, để cùng phối hợp với địa phương tổ chức những buổi tư vấn trực tiếp cho người lao động; phối hợp trưởng thôn, tổ trưởng dân phố "đi từng ngõ, gõ từng nhà" những gia đình có người ở độ tuổi lao động, chưa có việc làm để tuyên truyền, tư vấn về các chính sách hỗ trợ của công ty, những nước ổn định về kinh tế, chính trị để người lao động tin tưởng, lựa chọn. Đồng thời, phối hợp các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách hỗ trợ của Nhà nước về chế độ vay vốn từ nguồn ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh, chi phí ban đầu…, cho người lao động nói chung, các đối tượng nghèo, chính sách.
chỉ tính riêng trong năm 2024, địa phương đã hỗ trợ cho vay đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 33 người với 2,4 tỷ đồng.
"Những người đã ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng, tích lũy được vốn liếng vững vàng, trở về quê hương phát triển kinh tế (như anh Tố, anh Cảnh), là một "kênh tuyên truyền" rất hiệu quả, để người lao động Phú Vang càng có động lực, quyết tâm; đóng góp không nhỏ trong công tác giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế của địa phương", ông Trần Nhơn Mâng nói.
Thời gian qua, huyện Phú Vang đã bám sát quan điểm chỉ đạo giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 2025 là xác định rõ nguyên nhân nghèo, từ đó xây dựng phương án thoát nghèo theo từng địa chỉ cụ thể cho từng hộ. Chính vì vậy, ngoài chú trọng hỗ trợ hộ nghèo cận nghèo và các hợp tác xã trong đào tạo nghề, địa phương này còn thực hiện các chương trình dự án chính sách giảm nghèo để nguồn hỗ trợ từ chương trình dự án giảm nghèo đến được đúng đối tượng.
Cán bộ xã, huyện ở Phú Vang đã đến từng hộ nghèo khảo sát thu thập thông tin về đặc điểm điều kiện sống, trên cơ sở đó xác định mức độ thiếu hụt tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của hộ nghèo để hỗ trợ sinh kế cho phù hợp. Trong đó, xã hỗ trợ kinh tế thông qua nguồn vốn quỹ người nghèo hỗ trợ nguồn giống thức ăn chăn nuôi hỗ trợ xuồng máy máy nổ để đánh bắt và nuôi trồng thủy sản hỗ trợ cho người dân đầu tư.
Khi hộ nghèo, cận nghèo có điều kiện phát triển làm việc đã góp phần tạo động lực để các hộ nghèo khác vươn lên thoát nghèo cải thiện cuộc sống và góp phần cùng địa phương thực hiện tiêu chí giảm nghèo trong xây dựng nông thôn mới. Ngoài ra, Phú Vang còn tập trung phát triển dịch vụ du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn thúc đẩy kinh tế các xã thị trấn ven biển đầm phá tăng trưởng nhanh bền vững.
Theo đó, huyện tập trung đầu tư công tác chỉnh trang quy hoạch đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, xây dựng cảnh quan môi trường sắp xếp và nâng cấp lại hoạt động kinh doanh hở các bãi biển như: Phú Thuận, Phú Diên, Vinh Thanh…để phát triển dịch vụ du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn thúc đẩy kinh tế các xã thị trấn ven biển.
* NGUỒN THAM KHẢO
Bài viết:Làm tốt công tác xuất khẩu lao động: Đòn bẩy thoát nghèo của Phú Vang ?
Báo: Tạp chí Người Đưa Tin
Ngày:23/11/2024
Link đến bài gốc: Làm tốt công tác xuất khẩu lao động: Đòn bẩy thoát nghèo của Phú Vang - Tạp chí Người Đưa Tin
* CƠ HỘI VIỆC LÀM
Nhà tuyển dụng: Công Ty TNHH Vietseiko
Link việc làm: Danh sách việc làm tại Việt Nam
Những năm gần đây, xuất khẩu lao động trở thành hướng đi được người dân lựa chọn, trở thành một trong những “đòn bẩy” giảm nghèo bền vững ở vùng biên Buôn Đôn.
Gia đình chị Ngọc Thị Thuyên ở thôn Hà Bắc (xã Ea Wer) thuộc diện hộ nghèo. Đầu năm 2024, con trai thứ hai của chị được tạo điều kiện đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại thị trường Nhật Bản. Chị Thuyên cho biết, quá trình con trai Hòa Quang Nhuận chuẩn bị XKLĐ được hỗ trợ làm thủ tục hồ sơ, chi phí đào tạo nghề, đi lại. Đặc biệt, gia đình còn được Ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ vay hơn 90 triệu đồng, giúp nguyện vọng sang Nhật Bản làm việc của Nhuận sớm thành hiện thực.
Gần một năm lao động ở Nhật Bản, Nhuận được giao việc lắp ráp ống nước, có thu nhập đều đặn, trung bình mỗi tháng gửi về cho gia đình từ 15 – 20 triệu đồng. Nhờ đó, chị Thuyên có thêm kinh phí trả nợ, mua sắm các thiết bị máy móc trong gia đình và dự kiến sửa sang lại nhà cửa trong thời gian tới.
Chị Ngọc Thị Thuyên (bên trái) chia sẻ thông tin về việc được hỗ trợ xuất khẩu lao động. |
Quyết định đi XKLĐ tại Nhật Bản trong 4 năm (từ 2018 đến 2022) đã giúp anh Hoàng Thế Bảo (xã Ea Nuôl) thay đổi cuộc sống. Công việc cơ khí tuy vất vả nhưng anh Bảo đã cố gắng cần mẫn làm việc, tăng ca ngày nghỉ nên thu nhập mỗi tháng khoảng 25 triệu đồng. Không chỉ sớm trả hết nợ, có vốn tích lũy, anh còn hỗ trợ bố mẹ sửa sang nhà cửa. Sau khi về nước, anh mua sắm thêm phương tiện máy móc để làm thêm nghề quảng cáo. Từ chỗ sống phụ thuộc bố mẹ, nay anh Bảo đã có công việc ổn định.
Nếu trước đây, người dân trên địa bàn còn e ngại việc đi XKLĐ do phải xa người thân, gia đình, thì nay bà con đã có cái nhìn tích cực hơn, nhờ đó số lượng lao động ra nước ngoài làm việc đã tăng lên đáng kể. Từ đầu năm 2024 đến nay, toàn huyện Buôn Đôn có 43 lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng, trong đó hầu hết là lao động trẻ. Một số gia đình có từ 2 – 3 người thân tham gia lao động tại các thị trường Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc. Hầu hết lao động đều chịu khó làm việc, có thu nhập khá ổn, hằng tháng đều gửi về cho gia đình.
Tuyên truyền về đào tạo nghề và xuất khẩu lao động cho người dân ở huyện Buôn Đôn. |
Bà Đinh Thị Kim Liên, cán bộ Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Buôn Đôn khẳng định, đạt được kết quả này là nhờ sự phối hợp của các ngành chức năng, nhất là trong việc đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về XKLĐ. Công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin thị trường lao động nước ngoài được địa phương thực hiện khá hiệu quả với nhiều đổi mới.
Ngoài cung cấp thông tin theo cách truyền thống tại các bảng thông tin, địa phương còn sử dụng các trang mạng Zalo, Facebook để chia sẻ thông tin về lao động, thị trường XKLĐ. Ngành chức năng cũng đẩy mạnh công tác tư vấn việc làm, cập nhật thông tin việc làm ở các thị trường ngoài nước để người lao động dễ dàng tiếp cận, lựa chọn công việc phù hợp; hướng dẫn người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi khi XKLĐ; tổ chức đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đúng pháp luật quy định. Bên cạnh đó, nhiều lao động trên địa bàn còn được Ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ vốn vay đi XKLĐ.
Tính từ đầu năm đến nay đã có 6 trường hợp thuộc hộ nghèo, người đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn với tổng số tiền 635 triệu đồng.
* NGUỒN THAM KHẢO
Bài viết: Xuất khẩu lao động: “Đòn bẩy” giảm nghèo ở vùng biên ?
Báo: Báo Đắk Lắk điện tử
Ngày:20/11/2024
Link đến bài gốc: Xuất khẩu lao động: “Đòn bẩy” giảm nghèo ở vùng biên - Báo Đắk Lắk điện tử
* CƠ HỘI VIỆC LÀM
Nhà tuyển dụng: Công Ty TNHH Vietseiko
Link việc làm: Danh sách việc làm tại Việt Nam
Những tháng cuối năm, tình hình khó tuyển lao động ở nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Đồng Nai tiếp tục diễn ra. Trong khi đó, người lao động (NLĐ) vẫn loay hoay nộp hồ sơ, chờ tuyển dụng và chưa tìm được việc làm mới.
Điều này cho thấy vẫn còn nghịch lý giữa cung - cầu lao động.
Doanh nghiệp “đỏ mắt” tìm lao động
Lần đầu tiên tham gia sàn giao dịch việc làm, Công ty TNHH Asian Blending (Khu công nghiệp An Phước, huyện Long Thành) cần tuyển khoảng 300 lao động ở các vị trí: nhân viên vận hành, công nhân sản xuất, trưởng ca sản xuất, trưởng ca kho với mức thu nhập trung bình từ 11-14 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, hiện DN vẫn trong tình trạng thiếu lao động.
Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Asian Blending Du Thị Thùy Tâm cho biết, DN sẵn sàng mở rộng cửa đón NLĐ ở các vị trí việc làm với nhiều ưu đãi tốt. Ngoài ra, lao động phổ thông tuyển mới sẽ được đào tạo nghề để bắt nhịp công việc. DN đưa ra chính sách về hỗ trợ đi lại, nhà ở, tiền chuyên cần và lương, thưởng tháng 13. Tuy nhiên, thời điểm này, việc tuyển lao động không dễ dàng dù DN đã tuyên truyền thông tin tuyển lao động bằng nhiều hình thức.
Theo các chuyên gia lao động, khi việc đầu tư máy móc, công nghệ dần phổ biến, dự báo có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong thị trường lao động theo hướng từ nguồn nhân lực giá rẻ, trình độ thấp sang nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, lao động trẻ phải có sự chuẩn bị để đón đầu, bắt kịp xu thế, trang bị cho mình hành trang nghề nghiệp để bước vào thị trường lao động.
Tương tự, Công ty TNHH Hansol Electronics (huyện Trảng Bom) cũng trong tình trạng “đỏ mắt” tìm lao động.
Bà Trần Thị Thanh Dung, nhân viên nhân sự công ty, cho hay đơn hàng công ty hiện ổn định và liên tục tuyển lao động ở nhiều vị trí. Song việc tuyển lao động cuối năm là thử thách lớn với DN, vì NLĐ rất khan hiếm. Mỗi ngày, công ty chỉ nhận được vài chục hồ sơ của NLĐ nộp phỏng vấn, tìm việc nhưng nhiều hồ sơ trong số này không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng.
Nhiều DN đang đẩy mạnh sản xuất cuối năm, nhất là DN sản xuất may mặc, cơ khí, điện tử và thực phẩm. Những đơn hàng trong quý IV-2024 và đầu năm 2025 đã được các DN ký kết với đối tác, song do thiếu lao động, một số DN lo không đáp ứng kịp thời số lượng sản phẩm. Dù đưa ra nhiều chính sách để thu hút lao động nhưng các DN cho biết, thời điểm này, NLĐ ngại “nhảy việc” và chờ lương, thưởng Tết cuối năm nên không có ý định tìm việc mới. Trong khi đó, lao động mới đến Đồng Nai tìm việc rất hạn chế.
Sàn giao dịch việc làm diễn ra đầu tháng 11 mới đây đã thu hút 22 DN tham gia tuyển dụng với nhu cầu trên 2 ngàn lao động, trong đó lao động phổ thông chiếm 93%. Nhiều DN may mặc có nhu cầu tuyển từ 500 lao động trở lên. Tại sàn, có khoảng 750 lượt lao động tham gia tìm hiểu thông tin về việc làm và phỏng vấn. Dự kiến số người được tuyển dụng là 250, chủ yếu ở lĩnh vực dệt may, giày da, cơ khí điện tử…
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai, dù nhu cầu tuyển lao động phổ thông cao nhưng tại sàn đáp ứng được khá ít, chỉ khoảng 12%.
Nhiều người lao động vẫn thất nghiệp
Trong khi không ít DN đã có đơn hàng trở lại, mở rộng sản xuất, hoặc mới thành lập đang cần tuyển số lượng lớn lao động thì nhiều NLĐ vẫn thất nghiệp.
Anh Trần Văn Chín (ngụ phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) thất nghiệp hơn 6 tháng nay nhưng vẫn chưa tìm được việc làm mới. Những tháng qua, anh Chín đã tham gia các sàn giao dịch việc làm để tìm việc, nhưng ở độ tuổi ngoài 40, anh khó đáp ứng yêu cầu của DN.
Ngoài ra, từ đầu tháng 7-2024 đến nay, nhiều NLĐ ở các ngành gỗ, sản xuất gạch men bị mất việc do DN làm ăn thất bại, phải thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa. Họ tìm đủ cách trở lại thị trường lao động song vẫn không tìm được chỗ làm phù hợp. Nhiều người buộc phải lựa chọn về quê hoặc tìm việc làm tự do. Từ đó cho thấy, cung - cầu lao động chưa gặp nhau, thị trường lao động vận hành chưa thật sự hiệu quả.
Chị Lê Thị Hải Thành (quê tỉnh An Giang) vừa quyết định nghỉ việc sau khi DN không có đơn hàng. “Nếu không tìm được việc phù hợp, tôi dự định về quê đón Tết sớm hơn mọi năm và sẽ ở lại quê lập nghiệp, vì nếu tìm được việc làm mới mà thu nhập không đảm bảo mức sống tối thiểu, trong khi tiền điện và sinh hoạt phí ngày càng tăng, công nhân xa quê khó cân đối cuộc sống” - chị Thành bộc bạch.
Đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai cho biết, những tháng cuối năm, dự kiến các DN có nhu cầu tuyển khoảng 18 ngàn lao động. Trung tâm đang tăng cường kết nối bằng nhiều hình thức để hỗ trợ DN đáp ứng nguồn nhân lực sản xuất cuối năm, nhất là hàng hóa Tết. Cùng với đó, tổ chức các sàn giao dịch việc làm, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về nhu cầu tuyển lao động của các đơn vị, DN để lao động thất nghiệp biết, tham gia phỏng vấn, sớm trở lại thị trường lao động.
Tuy nhiên, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai lưu ý NLĐ phải nâng cao tay nghề để giữ việc làm, thu nhập ổn định lâu dài. Ngoài ra, trước sự dịch chuyển lao động, các DN cần tăng các chính sách để giữ chân công nhân trước và sau Tết. Đặc biệt, ngoài cải thiện việc làm, thu nhập, cần quan tâm đến nơi ở, đi lại và nhu cầu, tâm tư của NLĐ. Có như vậy, các DN sẽ không thiếu hụt lao động khi đơn hàng khởi sắc và việc sản xuất đi vào ổn định.
* NGUỒN THAM KHẢO
Bài viết: Nghịch lý cung - cầu lao động ?
Báo: Báo Đồng Nai
Ngày:20/11/2024
Link đến bài gốc: Nghịch lý cung - cầu lao động - Báo Đồng Nai
* CƠ HỘI VIỆC LÀM
Nhà tuyển dụng: Công Ty TNHH Vietseiko
Link việc làm: Danh sách việc làm tại Việt Nam