- Tin tức
- Chi tiết tin tức
Nghịch lý cung - cầu lao động
Những tháng cuối năm, tình hình khó tuyển lao động ở nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Đồng Nai tiếp tục diễn ra. Trong khi đó, người lao động (NLĐ) vẫn loay hoay nộp hồ sơ, chờ tuyển dụng và chưa tìm được việc làm mới.
Điều này cho thấy vẫn còn nghịch lý giữa cung - cầu lao động.
Doanh nghiệp “đỏ mắt” tìm lao động
Lần đầu tiên tham gia sàn giao dịch việc làm, Công ty TNHH Asian Blending (Khu công nghiệp An Phước, huyện Long Thành) cần tuyển khoảng 300 lao động ở các vị trí: nhân viên vận hành, công nhân sản xuất, trưởng ca sản xuất, trưởng ca kho với mức thu nhập trung bình từ 11-14 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, hiện DN vẫn trong tình trạng thiếu lao động.
Trưởng phòng Nhân sự Công ty TNHH Asian Blending Du Thị Thùy Tâm cho biết, DN sẵn sàng mở rộng cửa đón NLĐ ở các vị trí việc làm với nhiều ưu đãi tốt. Ngoài ra, lao động phổ thông tuyển mới sẽ được đào tạo nghề để bắt nhịp công việc. DN đưa ra chính sách về hỗ trợ đi lại, nhà ở, tiền chuyên cần và lương, thưởng tháng 13. Tuy nhiên, thời điểm này, việc tuyển lao động không dễ dàng dù DN đã tuyên truyền thông tin tuyển lao động bằng nhiều hình thức.
Theo các chuyên gia lao động, khi việc đầu tư máy móc, công nghệ dần phổ biến, dự báo có sự chuyển dịch mạnh mẽ trong thị trường lao động theo hướng từ nguồn nhân lực giá rẻ, trình độ thấp sang nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, lao động trẻ phải có sự chuẩn bị để đón đầu, bắt kịp xu thế, trang bị cho mình hành trang nghề nghiệp để bước vào thị trường lao động.
Tương tự, Công ty TNHH Hansol Electronics (huyện Trảng Bom) cũng trong tình trạng “đỏ mắt” tìm lao động.
Bà Trần Thị Thanh Dung, nhân viên nhân sự công ty, cho hay đơn hàng công ty hiện ổn định và liên tục tuyển lao động ở nhiều vị trí. Song việc tuyển lao động cuối năm là thử thách lớn với DN, vì NLĐ rất khan hiếm. Mỗi ngày, công ty chỉ nhận được vài chục hồ sơ của NLĐ nộp phỏng vấn, tìm việc nhưng nhiều hồ sơ trong số này không đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng.
Nhiều DN đang đẩy mạnh sản xuất cuối năm, nhất là DN sản xuất may mặc, cơ khí, điện tử và thực phẩm. Những đơn hàng trong quý IV-2024 và đầu năm 2025 đã được các DN ký kết với đối tác, song do thiếu lao động, một số DN lo không đáp ứng kịp thời số lượng sản phẩm. Dù đưa ra nhiều chính sách để thu hút lao động nhưng các DN cho biết, thời điểm này, NLĐ ngại “nhảy việc” và chờ lương, thưởng Tết cuối năm nên không có ý định tìm việc mới. Trong khi đó, lao động mới đến Đồng Nai tìm việc rất hạn chế.
Sàn giao dịch việc làm diễn ra đầu tháng 11 mới đây đã thu hút 22 DN tham gia tuyển dụng với nhu cầu trên 2 ngàn lao động, trong đó lao động phổ thông chiếm 93%. Nhiều DN may mặc có nhu cầu tuyển từ 500 lao động trở lên. Tại sàn, có khoảng 750 lượt lao động tham gia tìm hiểu thông tin về việc làm và phỏng vấn. Dự kiến số người được tuyển dụng là 250, chủ yếu ở lĩnh vực dệt may, giày da, cơ khí điện tử…
Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm Đồng Nai, dù nhu cầu tuyển lao động phổ thông cao nhưng tại sàn đáp ứng được khá ít, chỉ khoảng 12%.
Nhiều người lao động vẫn thất nghiệp
Trong khi không ít DN đã có đơn hàng trở lại, mở rộng sản xuất, hoặc mới thành lập đang cần tuyển số lượng lớn lao động thì nhiều NLĐ vẫn thất nghiệp.
Anh Trần Văn Chín (ngụ phường Tân Phong, thành phố Biên Hòa) thất nghiệp hơn 6 tháng nay nhưng vẫn chưa tìm được việc làm mới. Những tháng qua, anh Chín đã tham gia các sàn giao dịch việc làm để tìm việc, nhưng ở độ tuổi ngoài 40, anh khó đáp ứng yêu cầu của DN.
Ngoài ra, từ đầu tháng 7-2024 đến nay, nhiều NLĐ ở các ngành gỗ, sản xuất gạch men bị mất việc do DN làm ăn thất bại, phải thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa. Họ tìm đủ cách trở lại thị trường lao động song vẫn không tìm được chỗ làm phù hợp. Nhiều người buộc phải lựa chọn về quê hoặc tìm việc làm tự do. Từ đó cho thấy, cung - cầu lao động chưa gặp nhau, thị trường lao động vận hành chưa thật sự hiệu quả.
Chị Lê Thị Hải Thành (quê tỉnh An Giang) vừa quyết định nghỉ việc sau khi DN không có đơn hàng. “Nếu không tìm được việc phù hợp, tôi dự định về quê đón Tết sớm hơn mọi năm và sẽ ở lại quê lập nghiệp, vì nếu tìm được việc làm mới mà thu nhập không đảm bảo mức sống tối thiểu, trong khi tiền điện và sinh hoạt phí ngày càng tăng, công nhân xa quê khó cân đối cuộc sống” - chị Thành bộc bạch.
Đại diện Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai cho biết, những tháng cuối năm, dự kiến các DN có nhu cầu tuyển khoảng 18 ngàn lao động. Trung tâm đang tăng cường kết nối bằng nhiều hình thức để hỗ trợ DN đáp ứng nguồn nhân lực sản xuất cuối năm, nhất là hàng hóa Tết. Cùng với đó, tổ chức các sàn giao dịch việc làm, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về nhu cầu tuyển lao động của các đơn vị, DN để lao động thất nghiệp biết, tham gia phỏng vấn, sớm trở lại thị trường lao động.
Tuy nhiên, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Đồng Nai lưu ý NLĐ phải nâng cao tay nghề để giữ việc làm, thu nhập ổn định lâu dài. Ngoài ra, trước sự dịch chuyển lao động, các DN cần tăng các chính sách để giữ chân công nhân trước và sau Tết. Đặc biệt, ngoài cải thiện việc làm, thu nhập, cần quan tâm đến nơi ở, đi lại và nhu cầu, tâm tư của NLĐ. Có như vậy, các DN sẽ không thiếu hụt lao động khi đơn hàng khởi sắc và việc sản xuất đi vào ổn định.
* NGUỒN THAM KHẢO
Bài viết: Nghịch lý cung - cầu lao động ?
Báo: Báo Đồng Nai
Ngày:20/11/2024
Link đến bài gốc: Nghịch lý cung - cầu lao động - Báo Đồng Nai
* CƠ HỘI VIỆC LÀM
Nhà tuyển dụng: Công Ty TNHH Vietseiko
Link việc làm: Danh sách việc làm tại Việt Nam
Tin tức liên quan
(ĐTTCO) - Kết quả khảo sát các DN Nhật Bản đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy, nhiều DN tiếp tục kỳ vọng vào kết quả kinh doanh năm 2025 khả quan.
Theo đó, nhiều DN tiếp tục kỳ vọng vào kết quả kinh doanh năm 2025 khả quan với 50,4% số DN được khảo sát dự báo lợi nhuận tăng lên và 9,2% DN dự báo lợi nhuận xấu đi. Có 56,1% DN có mong muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong 1-2 năm tới, tỷ lệ này đứng đầu khu vực ASEAN.
Theo các DN, động lực để họ đưa ra quyết định trên là do mức độ gia tăng xuất khẩu và nhu cầu tại thị trường nội địa ngày càng mở rộng. Bên cạnh đó, các tiêu chí về lợi thế tiềm năng tăng trưởng, chi phí nhân công rẻ, tình hình chính trị - xã hội ổn định của Việt Nam đều vượt trên mức trung bình của ASEAN.
Nhiều DN cân nhắc việc mở rộng chức năng bán hàng để tận dụng các cơ hội gia tăng doanh số, lợi nhuận. Trong khi đó, các DN ngành chế tạo tập trung mở rộng sản xuất sản phẩm đa năng và sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Dù được đánh giá cao trong khu vực ASEAN nhưng các DN Nhật Bản cũng chỉ ra những hạn chế, rủi ro trong môi trường đầu tư tại Việt Nam. Ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng đại diện JETRO tại TPHCM, cho biết: "Có đến 62,4% DN được khảo sát năm 2024 đánh giá thủ tục xin giấy phép đầu tư còn phức tạp; 57,8% DN cho biết hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện và việc thực thi thiếu minh bạch.
Mặt khác, nhu cầu mở rộng thu mua nội địa của các DN Nhật Bản ngày càng tăng, tuy nhiên nhiều năm qua tỷ lệ cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện từ các DN Việt Nam vẫn trì trệ. Nguyên nhân là nhà cung ứng trong nước không đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật cũng như thiếu đơn vị cung cấp nguyên liệu thô.
Theo ông Matsumoto Nobuyuki, để tận dụng tốt cơ hội từ xu hướng dịch chuyển đầu tư và sản xuất, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư thông qua đơn giản hoá thủ tục hành chính, hoàn thiện hệ thống pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi chính sách. Song song đó, đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, cải tiến công nghệ sản xuất nhằm tăng khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản.
* NGUỒN THAM KHẢO
Bài viết: Doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh tại Việt Nam
Báo: dttc
Ngày: 24/01/2025
Link đến bài gốc: https://dttc.sggp.org.vn/doanh-nghiep-nhat-ban-muon-mo-rong-kinh-doanh-tai-viet-nam-post120049.html
Nhà tuyển dụng: Công Ty TNHH Vietseiko
Link việc làm: Danh sách việc làm tại Việt Nam
Từ xa xưa ở Nhật Bản, rắn đã được coi là thần nước và là hiện thân của nữ thần Benzaiten. Nhân dịp năm mới Ất Tỵ, hãy cùng Kilala khám phá những ngôi đền thờ phụng loài vật này tại xứ Phù Tang nhé!
Biểu tượng của sức sống, thần bảo vệ nước, thần may mắn về tài lộc
Tín ngưỡng tôn thờ rắn như một vị thần hoặc sứ giả của các vị thần tồn tại ở nhiều nơi trên thế giới. Nhìn từ đặc tính sinh học của loài vật này (ngủ đông và lột da), nhiều người tin rằng, rắn là biểu tượng của sự trường thọ và tái sinh.
Ở Nhật Bản, hoạ tiết rắn được tìm thấy trên nhiều đồ gốm thời Jomon (khoảng 10.000-300 TCN), chứng tỏ rắn đã là đối tượng của một loại tín ngưỡng vào thời điểm đó. Kể từ khi lịch sử được ghi chép, rắn (tiếng Nhật: hebi/ 蛇) được tôn kính như vị thần của nước.
Vào thời Nara (710-794), tín ngưỡng tôn thờ rắn như thần nước đã được kết hợp với sự sùng kính Benzaiten, một nữ thần Phật giáo đồng thời là hiện thân của thần Ấn Độ Saraswati. Sau thời cổ đại, thần Benzaiten được đồng nhất với thần rắn Ugajin, trở thành vị thần của sự giàu có, mang lại may mắn và mùa màng bội thu.
Hiện nay, trên khắp Nhật Bản vẫn còn khá nhiều những ngôi đền thờ thần rắn vô cùng linh thiêng. Viếng thăm đền thờ rắn có thể mang lại sự thịnh vượng cho cả năm.
Đền Omiwa (Sakurai, tỉnh Nara)
Ở Sakurai, trung tâm của cố đô Nara, có ngọn núi Miwa cao chót vót. Theo Biên niên sử Kojiki và Nihon shoki thì ngọn núi này là nơi cư ngụ của các vị thần.
Đền Omiwa nằm trên núi được cho là đền thờ Thần đạo lâu nhất còn tồn tại và vẫn giữ tín ngưỡng thờ cúng thiên nhiên như trước khi Phật giáo du nhập vào Nhật Bản.
Truyền thuyết kể rằng, vị thần của đền Omiwa, Omononushi-no-okami, có hình dạng là một con rắn nhỏ xinh đẹp và được tôn kính như thần của ngành công nghiệp, y học cùng nghề nấu rượu sake.
Phía trước ngôi đền còn có một cây tuyết tùng khổng lồ gọi là “Mi-no-kamisugi” (巳の神杉), và người ta tin rằng, con rắn “Mi-san” – hiện thân của thần Omononushi-no-okami, trú ngụ trong đó.
Người viếng thăm đền thường để lại trứng (thức ăn ưa thích của rắn) như một cách để được thần linh bảo hộ.
Đền Kanahebisui (Iwanuma, tỉnh Miyagi)
Đền Kanahebisui ẩn mình trong một khu rừng sâu, cách thủ phủ Sendai khoảng 30 phút di chuyển bằng tàu và taxi.
Theo truyền thuyết địa phương, thợ rèn kiếm tài hoa Sanjo Munechika sống ở Heiankyo vào thế kỉ thứ 10 (nay là Kyoto) được giao nhiệm vụ rèn kiếm cho Thiên hoàng Ichijo. Để tìm kiếm nguồn nước chất lượng cao, thứ cần thiết để chế tạo kiếm, ông đã dựng lò rèn bên dòng một dòng suối trong vắt dành riêng cho thần nước.
Tuy nhiên, tiếng ếch kêu xung quanh khiến ông không thể tập trung làm ra thanh kiếm chất lượng. Một ngày nọ, ông tạc một bức tượng rắn và đặt trên ruộng lúa, ngay lập tức không còn tiếng ếch nữa. Cuối cùng, ông cũng thành công rèn được một thanh kiếm tinh xảo nhờ vào phước lành của vị thần. Sanjo Munechika đã dâng một con rắn bằng kim loại cho ngôi đền có tên “Suijin no Miya” (水神の宮) để bày tỏ lòng biết ơn.
Sau khi lấy tượng rắn của Munechika làm đối tượng thờ cúng, ngôi đền đã đổi tên thành “Kanahebisui Jinja” (金蛇水神社), với “hebi” (蛇) có nghĩa là “con rắn” trong tiếng Nhật. Trong 1.000 năm sau đó, tượng rắn ở đền Kanahebisui được tôn thờ như là vị thần bảo vệ của cải, sức sống và sinh kế.
Ngoài tượng rắn, trong khuôn viên của ngôi đền còn có những khối đá điêu khắc hình rắn vô cùng bí ẩn.
Đền Hyakuja Benzaiten (Moka, tỉnh Tochigi)
Đền Hyakujia Benzaiten được thành lập cách đây khoảng 500 năm, có chung một vị thần bảo hộ với đền Itsukushima nổi tiếng ở tỉnh Hiroshima.
Khi bước qua cổng Torii, đặt chân vào khuôn viên đền Hyakuja Benzaiten, du khách có thể sẽ giật mình bởi những con rắng trắng cuộn tròn ở hai bên lối vào. Chúng được biết đến với vai trò là sứ giả của thần linh, là người bảo vệ ngôi đền.
Được xây dựng gần một cái ao, đền Hyakujia Benzaiten có rất nhiều nguồn nước tự nhiên và cây xanh. Có lời đồn rằng, một con rắn trắng đã cư trú trong cái ao đó. Ngoài ra, ngôi đền còn cung cấp loại bùa hộ mệnh dạng dây đeo có họa tiết con rắn.
Phía sau của ngôi đền là thác nước Zeniarai no Taki, người ta tin rằng, rửa tiền giấy và tiền xu dưới dòng nước thiêng của thác sẽ có thể cải vận về tiền bạc và sức khỏe.
Đền Iwakuni Shirohebi (Iwakuni, tỉnh Yamaguchi)
Mặc dù việc thờ thần nước và rắn trắng có mối liên hệ khá chặt chẽ, nhưng chỉ một số nơi có thể khẳng định rắn trắng thực sự tồn tại. Rìa phía đông của tỉnh Yamaguchi là nơi sinh sống của một loài rắn trắng hoang dã - không phải là loại đột biến, được chỉ định là báu vật tự nhiên. Người ta kể lại rằng, trong thời Edo (1603-1868), những con rắn trắng đã bảo vệ các kho thóc của lãnh chúa vùng Iwakuni khỏi loài chuột.
Rắn trắng được xem là hiện thân của thần Benzaiten, là đối tượng tôn thờ tại các ngôi đền nhỏ khắp Iwakuni. Tuy nhiên ở đền Iwakuni Shirohebi được xây dựng vào năm 2012, rắn trắng không được tôn thờ như một vị thần mà là sứ giả của thần linh. Đền thu hút nhiều du khách đến cầu may mắn về tài chính, kinh doanh, sức khỏe và tuổi thọ.
Đền Hebikubo (Shinagawa, Tokyo)
Tọa lạc tại phường Shinagawa của Tokyo, đền Hebikubo (hay đền Tenso) được xây dựng vào thế kỉ 14 để bày tỏ lòng biết ơn đến các vị thần vì đã mang mưa đến sau trận hạn kéo dài.
Người ta tin rằng, có một con rắn trắng từng sống ở ao nước trong khuôn viên đền nhưng đã rời đi sau khi nước ở đó cạn kiệt. Dân làng mơ thấy con rắn muốn quay trở lại, vì vậy đã đào một cái ao mới và thờ vị thần Benzaiten gần đó. Khu vực này được gọi là đền Hakuja Benzaiten, nằm phía sau chính điện của đền Hebikubo, là nơi để cầu may mắn tài lộc, hôn nhân hạnh phúc và hồi phục sau bệnh tật.
Đền Hebikubo cung cấp nhiều loại bùa Omamori, đặc biệt nhất là loại có chứa da của loài rắn trắng Iwakuni, được bán vào ngày diễn ra lễ hội Tsuchinotomi (60 ngày tổ chức một lần).
* NGUỒN THAM KHẢO
Bài viết: Những ngôi đền thờ rắn linh thiêng ở Nhật Bản ?
Báo: kilala
Ngày: 23/01/2025
Link đến bài gốc: https://kilala.vn/kham-pha-nhat/nhung-ngoi-den-tho-ran-linh-thieng-o-nhat-ban.html
Nhà tuyển dụng: Công Ty TNHH Vietseiko
Link việc làm: Danh sách việc làm tại Việt Nam
Đây là thông tin được đại diện JETRO nhấn mạnh trong buổi họp báo công bố kết quả "Khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm 2024".
Nhiều doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng đầu tư tại Việt Nam, nhưng vẫn chần chừ vì thủ tục hành chính còn phức tạp. Ảnh: S.T. |
---|
Chiều 21/1, Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) đã tổ chức buổi họp báo công bố kết quả "Khảo sát thực trạng của các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại nước ngoài năm 2024". Đây là khảo sát được thực hiện thông qua bảng câu hỏi về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khu vực Châu Á và Châu Đại Dương.
Đáng chú ý, trong số hơn 5.000 doanh nghiệp trả lời hợp lệ, có tới 863 doanh nghiệp Nhật Bản đang đầu tư tại Việt Nam - con số cao nhất trong các quốc gia và vùng lãnh thổ của khu vực này.
Muốn mở rộng nhưng chưa rót tiền
Tại buổi họp báo, ông Nobuyuki Matsumoto, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO TP.HCM cho biết tỷ lệ doanh nghiệp Nhật kỳ vọng "có lãi" tại thị trường Việt Nam năm 2024 đạt hơn 64%. Đây là lần đầu tiên sau 5 năm, kể từ trước đại dịch Covid-19, tỷ lệ này vượt qua mốc 60%.
Về triển vọng kinh doanh năm 2025, hơn 50% doanh nghiệp dự báo tình hình sẽ cải thiện, trong khi chỉ 9,2% cho rằng tình hình sẽ xấu đi. Nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự lạc quan về việc tiếp tục đạt kết quả kinh doanh khả quan nối tiếp từ năm 2024.
Thêm vào đó, hơn 56% doanh nghiệp Nhật cho biết mong muốn mở rộng kinh doanh trong 1-2 năm tới, đưa Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực ASEAN về số lượng doanh nghiệp Nhật có kế hoạch mở rộng.
Tuy vậy, đại diện JETRO cũng thừa nhận dù Việt Nam được đánh giá là thị trường hấp dẫn, thực tế đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam vẫn chưa đạt kỳ vọng
Theo ông Matsumoto, số vốn Nhật Bản đổ vào Việt Nam năm 2024 đã giảm một nửa so với năm trước. "Các doanh nghiệp Nhật vẫn xem Việt Nam là điểm đến tiềm năng, nhưng họ đang chần chừ để tìm thời điểm phù hợp", ông nhấn mạnh
Theo ông, một trong những lý do khiến các doanh nghiệp do dự là những rào cản về thủ tục hành chính và pháp lý.
Thực tế, kết quả khảo sát cho thấy 62% doanh nghiệp cho rằng việc xin giấy phép và thực hiện thủ tục hành chính tại Việt Nam rất phức tạp - tỷ lệ này cao hơn nhiều so với mức trung bình 38% của khu vực ASEAN.
"Văn phòng chúng tôi thường xuyên tiếp nhận phản ánh từ các doanh nghiệp về các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính. Một số doanh nghiệp Nhật cho biết phải mất tới một năm để xin giấy phép đầu tư, trong khi các thủ tục liên quan đến xây dựng hoặc sửa chữa nhà xưởng cũng có thể kéo dài tới 6 tháng", đại diện JETRO cho biết thêm.
Ông Nobuyuki Matsumoto, Trưởng đại diện Văn phòng JETRO TP.HCM. Ảnh: Liên Phạm. |
---|
Dù gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn quan tâm và mong muốn mở rộng tại Việt Nam. Theo ông Matsumoto, đây là cơ hội quan trọng để Việt Nam cải thiện môi trường đầu tư, giải quyết các vấn đề về thủ tục hành chính và pháp luật nhằm thu hút thêm nguồn vốn đầu tư thực tế từ Nhật Bản.
"Khi mối quan tâm của các doanh nghiệp Nhật với Việt Nam vẫn đang ở mức cao, việc cải thiện các vấn đề này sẽ giúp Việt Nam không chỉ là một điểm đến tiềm năng mà còn là một nơi thu hút đầu tư hiệu quả hơn", ông Matsumoto nhấn mạnh.
Doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá cao TP.HCM
Chia sẻ bên lề họp báo, ông Nobuyuki Matsumoto cho biết hiện JETRO có 76 văn phòng đại diện trên toàn thế giới, trong đó, văn phòng tại TP.HCM có số lượng doanh nghiệp đến hỏi thông tin cao thứ hai, chỉ sau Bangkok (Thái Lan), còn Hà Nội đứng ở vị trí thứ 4.
"TP.HCM sở hữu thế mạnh đặc biệt về nguồn nhân lực chất lượng cao. Địa phương này có nhiều trường đại học hàng đầu, là yếu tố hấp dẫn lớn đối với các doanh nghiệp Nhật Bản", ông Nobuyuki Matsumoto nói với Tri Thức - Znews.
Ông Matsumoto nhấn mạnh rằng cần tạo điều kiện để sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học uy tín có cơ hội tìm được công việc giá trị cao, phù hợp với năng lực. Đây sẽ là nền tảng để TP.HCM khai thác tối đa lợi thế về nhân lực, đồng thời thu hút thêm các nhà đầu tư mang lại giá trị gia tăng cao. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng việc phát triển các ngành chất lượng cao cần được cân bằng với các ngành thâm dụng lao động, vốn tạo ra nhiều việc làm hơn.
Nhìn chung, dù chi phí nhân công đang tăng, ông cho biết các doanh nghiệp Nhật Bản vẫn xem Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhờ lợi thế tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA).
Ông Matsumoto nhận định Việt Nam có tiềm năng trở thành trung tâm kết nối khu vực và toàn cầu nếu tận dụng tốt các lợi thế này.
Ngoài ra, ông cho rằng việc cải thiện thủ tục hành chính và nâng cao hiệu quả quản lý sẽ giúp gia tăng niềm tin của các nhà đầu tư Nhật Bản, thúc đẩy dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Về phía JETRO, đơn vị này cam kết tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư vào Nhật Bản, từ việc tìm văn phòng làm việc đến hoàn thiện các thủ tục pháp lý.
Đồng thời, JETRO sẽ không ngừng khuyến khích các doanh nghiệp Nhật Bản mở rộng hoạt động tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy hợp tác hai chiều giữa hai quốc gia.
* NGUỒN THAM KHẢO
Bài viết: Doanh nghiệp Nhật Bản ngại rót vốn vào Việt Nam vì thủ tục phức tạp
Báo:znews
Ngày: 22/01/2025
Link đến bài gốc: Doanh nghiệp Nhật Bản ngại rót vốn vào Việt Nam vì thủ tục phức tạp - Kinh doanh - ZNEWS.VN
Nhà tuyển dụng: Công Ty TNHH Vietseiko
Link việc làm: Danh sách việc làm tại Việt Nam
Theo khảo sát, có khoảng 4.000 doanh nghiệp của tỉnh MIE nhận định, Việt Nam là điểm đến đầu tư được yêu thích nhất trong thời gian tới; các doanh nghiệp mong muốn thông qua việc ký kết hợp tác ghi nhớ lần này sẽ góp phần tăng cường hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản nói chung và tỉnh MIE với Việt Nam nói riêng trong những năm tới.
Đó chính là lý do để hai bên có “Lễ ký kết bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và tỉnh MIE, Nhật Bản” vừa diễn ra tại Hà Nội, theo TTXVN.
TTXVN dẫn lời từ Thống đốc ICHIMI Katsuyuki cho biết, tỉnh MIE có thế mạnh về phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp bán dẫn, đặc biệt là ngành thiết bị điện tử với 19 năm liên tiếp được đứng đầu Nhật Bản; là 1 trong 5 tỉnh của Nhật Bản được chỉ định là thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp bán dẫn. Ngoài ra, tỉnh MIE còn có lợi thế về phát triển ngành công nghiệp ô tô.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến nay bộ đã ký Biên bản ghi nhớ với 13 địa phương của Nhật Bản. Đối với tỉnh MIE, tỉnh đứng thứ nhất Nhật Bản trong ngành sản xuất linh kiện, thiết bị điện tử, điện tử, mạch điện tử; có các công ty lớn trong ngành bán dẫn. Đây cũng là những ngành chiến lược được Việt Nam tập trung đầu tư trong thời gian tới.
Theo số liệu thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết năm 2024, các doanh nghiệp tỉnh Mie đã thực hiện 41 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 580 triệu đô la; trong đó, các dự án tập trung chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 21 dự án và tập trung chủ yếu ở TPHCM là 13 dự án và Hà Nội với 9 dự án.
Hiện Việt Nam và Nhật Bản là Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới.
* NGUỒN THAM KHẢO
Bài viết: Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn với doanh nghiệp Nhật Bản ?
Báo:baothesaigontimes
Ngày: 20/01/2025
Link đến bài gốc: Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn với doanh nghiệp Nhật Bản - Tạp chí Kinh tế Sài Gòn
Nhà tuyển dụng: Công Ty TNHH Vietseiko
Link việc làm: Danh sách việc làm tại Việt Nam
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Kazuo Ueda tiếp tục nhắc lại lời hứa sẽ bàn bạc về tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách tiền tệ dự kiến diễn ra vào tuần tới. Đây là cam kết mà ông Ueda đã vài lần đưa ra trong những ngày gần đây, giúp thị trường dấy lên kỳ vọng về một động thái chính sách có thể sắp diễn ra.
“Nếu tình hình nền kinh tế và giá cả tiếp tục cải thiện trong năm nay, chúng tôi sẽ điều chỉnh mức độ nới lỏng của chính sách tiền tệ bằng cách nâng lãi suất”, ông Ueda nói tại một cuộc gặp với lãnh đạo các chi nhánh khu vực của BOJ vào ngày 15/1.
Tuyên bố này của ông Ueda là sự nhắc lại những phát biểu mà ông và Phó thống đốc BOJ đã đưa ra trước đó trong tuần này rằng chủ đề tăng lãi suất chắc chắn sẽ được thảo luận tại cuộc họp ngày 23-24/1.
Những phát biểu nhưn vậy đã mang lại sự hỗ trợ cho đồng yên, đưa tỷ giá đồng tiền này so với USD lên mức cao nhất 1 tháng trong phiên ngày 16/1, với 155,22 yên đổi 1 USD. Trước đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm đạt cao nhất hơn 13 năm ở mức 1,255% trong phiên ngày 15/1.
Trong cuộc họp chính sách tiền tệ gần đây nhất diễn ra vào tháng 12, BOJ giữ nguyên lãi suất chính sách. Sự “án binh bất động” này xuất phát từ việc giới chức BOJ muốn chờ cho tới khi có thêm bằng chứng về sự tăng trưởng tiền lương ở Nhật Bản và các chính sách của Mỹ trở nên rõ ràng hơn. Ngày 16/1, Thống đốc Ueda nhắc lại rằng đây là hai điểm quan trọng nhất khi đưa ra một quyết định tăng lãi suất tại BOJ.
Ông nói dường như đang có những bằng chứng tích cực cho thấy tiền lương sẽ tiếp tục tăng ở Nhật Bản, bao gồm phát biểu của các nhà điều hành doanh nghiệp và thông tin mà các chi nhánh của BOJ thu thập được qua các cuộc trò chuyện với doanh nghiệp trên toàn quốc. Theo báo cáo kinh tế khu vực mới nhất của BOJ, đã có thêm nhiều doanh nghiệp hiểu được sự cần thiết phải tiếp tục tăng lương cho người lao động, dù một số doanh nghiệp nhỏ còn thận trọng với việc này.
Sau khi chấm dứt chính sách lãi suất âm cuối cùng còn lại trên thế giới vào tháng 3 năm ngoái, BOJ có đợt tăng lãi suất thứ hai vào tháng 7, đưa lãi suất chính sách lên mức 0,25%. Sau đó, mức lãi suất này được duy trì cho tới nay. Trong cuộc họp vào tuần tới, BOJ dự kiến sẽ công bố dự báo mới về tăng trưởng kinh tế và lạm phát.
Trên thị trường tài chính, kỳ vọng về việc BOJ tăng lãi suất trong lần họp này đã tăng lên, nhưng vẫn có khả năng các nhà hoạch định chính sách tiền tệ đợi đến tháng 3 mới hành động.
“Nếu đợi đến cuộc họp tháng 3 mới tăng lãi suất, BOJ có thể kiểm tra dữ liệu định lượng về cuộc đàm phán tiền lương mùa xuân 2025, chứ không chỉ dữ liệu định tính. Tuy nhiên, nếu dựa vào cách truyền đạt thông tin của BOJ trước đây, có vẻ như lần này BOJ không nghĩ cần phải đợi lâu đến thế trước khi đưa ra quyết định tăng lãi suất tiếp theo”, nhà kinh tế Yusuke Matsuo của công ty Mizuho Securities nhận định trong một báo cáo.
Theo giới phân tích, trở ngại ở thời điểm hiện tại đối với một động thái tăng lãi suất của BOJ là Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ đưa ra tuyên bố gì về thuế quan sau lễ nhậm chức của ông vào ngày 20/1 và sự phản ứng của thị trường với tuyên bố đó.
Ngân hàng UBS dự báo BOJ sẽ tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm lên mức 0,5% vào tuần tới trừ phi ông Trump gây ra một cú sốc trên thị trường. UBS cũng cho rằng trong các cuộc họp vào tháng 7 và tháng 12 năm nay, BOJ sẽ tiếp tục nâng lãi suất.
“Dĩ nhiên, nếu thị trường tài chính sụt giảm ở mức độ hoảng loạn sau lễ nhậm chức của ông Trump vào ngày 20/1, BOJ khó có thể tăng lãi suất và sẽ phải chờ ít nhất thêm một cuộc họp nữa. Nhưng theo dự báo của chúng tôi ở thời điểm hiện tại, sẽ không có cú sốc lớn nào xảy ra sau ngày 20/1”, nhà kinh tế Masamichi Adachi của UBS nhận định trong một báo cáo.
* NGUỒN THAM KHẢO
Bài viết: Đồng yên lên cao nhất 1 tháng sau tín hiệu tăng lãi suất từ Thống đốc BOJ?
Báo:baovneconomy
Ngày: 17/01/2025
Link đến bài gốc: Đồng yên lên cao nhất 1 tháng sau tín hiệu tăng lãi suất từ Thống đốc BOJ - Nhịp sống kinh tế Việt Nam & Thế giới
Nhà tuyển dụng: Công Ty TNHH Vietseiko
Link việc làm: Danh sách việc làm tại Việt Nam
Ngày 13/1, Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru tuyên bố đẩy nhanh nỗ lực phục hồi nền kinh tế vùng và giải quyết tình trạng tập trung dân cư quá mức ở thủ đô Tokyo và các khu đô thị khác trong chiến dịch cải tổ đất nước.
Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru. (Nguồn: Asia Financial) |
---|
Trong cuộc họp báo đầu tiên của năm mới ngày 6/1, Thủ tướng Nhật Bản nhấn mạnh việc cải tổ mạnh mẽ sẽ góp phần bảo đảm tương lai cho quốc gia Đông Bắc Á này. Trong số các đề xuất gồm có việc tạo lập hệ thống “cư trú kép” mới nhằm hỗ trợ các viên chức trẻ sinh sống và làm việc ở nhiều nơi, nhấn mạnh rằng khu vực công nên đi đầu trong giải quyết vấn đề tập trung dân số quá mức.
Thủ tướng Ishiba phác thảo kế hoạch chuyển một số chức năng của chính quyền trung ương sang các khu vực địa phương, vì các văn phòng của bộ và cơ quan chủ yếu nằm ở Tokyo. Ngoài ra, ông nhấn mạnh khu vực tư nhân cần tham gia vào sáng kiến bảo đảm phát triển bền vững của kinh tế địa phương.
Ông cam kết xây dựng môi trường thuận lợi cho thành lập công ty khởi nghiệp, đồng thời khuyến khích các công ty hiện tại chuyển trụ sở chính về các khu vực ngoài Tokyo.
Tình trạng tập trung dân số quá mức là vấn đề nghiêm trọng đối với Nhật Bản - quốc gia đang đối mặt tình trạng dân số già hóa và suy giảm. Theo dữ liệu của chính phủ, 47 tỉnh trên cả nước đều ghi nhận sự sụt giảm dân số khi lượng người di cư tăng mạnh. Tuy nhiên, Tokyo là một trong những trường hợp ngoại lệ đi ngược lại xu hướng này.
* NGUỒN THAM KHẢO
Bài viết: Chiến lược cải tổ đất nước của Thủ tướng Nhật Bản: Thay đổi sẽ bắt đầu từ đâu?
Báo:baoquocte
Ngày: 13/01/2025
Link đến bài gốc: Chiến lược cải tổ đất nước của Thủ tướng Nhật Bản: Thay đổi sẽ bắt đầu từ đâu?
Nhà tuyển dụng: Công Ty TNHH Vietseiko
Link việc làm: Danh sách việc làm tại Việt Nam