Giảm nghèo cho bản thân, gia đình, địa phương nhờ xuất khẩu lao động

30/10/2024

Tại nhiều địa phương ở Quảng Nam, đặc biệt là các huyện nghèo, xuất khẩu lao động đã giúp nhiều thanh niên thuộc diện hộ nghèo có thêm cơ hội việc làm, cuộc sống ổn định.

Tại Quảng Nam, lãnh đạo tỉnh xác định đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài là giải pháp giải quyết vấn đề an sinh xã hội hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo. Ông Nguyễn Qui Quý, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam, địa phương rất quan tâm đến chính sách đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó ưu tiên người lao động tại các huyện nghèo. 

Các địa phương trong tỉnh chủ động liên kết với cơ sở đào tạo nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng và thực hiện các thủ tục hỗ trợ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (xuất khẩu lao động). Theo thống kê, từ năm 2021 đến nay, Quảng Nam đã đưa được gần 4.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Nam Giang là 1 trong 6 huyện miền núi nghèo của tỉnh Quảng Nam, tỷ lệ hộ nghèo ở đây lên tới 35,5%, phấn đấu năm 2024 giảm ít nhất 549 hộ nghèo, quyết tâm năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo về 25%. Tại đây, tỷ lệ lao động chưa qua đào tạo còn cao, gây khó khăn cho việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) về giảm nghèo bền vững.

Giải quyết chiều thiếu hụt về việc làm, đào tạo, UBND huyện Nam Giang nỗ lực chuyển đổi sinh kế và chú trọng tuyên truyền, hỗ trợ người dân đào tạo nghề kết hợp xuất khẩu lao động, tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo gắn với giảm nghèo bền vững.

Năm 2023, huyện đào tạo, đưa 7 lao động đi làm việc tại Nhật và Hàn Quốc. Từ 2022-2024, địa phương đã tuyển sinh, đào tạo và xuất khẩu 194 lao động làm tại Lào, mức lương cơ bản từ 9 - 15 triệu đồng. Một số khác đi lao động tại Ả Rập Xê Út. Nhiều thanh niên hăng hái đăng ký đi xuất khẩu lao động. Số tiền gửi về từ việc thanh niên đi xuất khẩu lao động không chỉ giúp các hộ gia đình trả nợ ngân hàng, mua sắm, xây dựng nhà kiên cố, chăm lo y tế, dinh dưỡng, việc làm cho người thân, cuộc sống ngày càng ấm no hơn.

Tại xã La Dêê (huyện Nam Giang), từ năm 2023 đến nay có 27 người đi xuất khẩu lao động, trong số đó có 5 hộ đăng ký thoát nghèo bền vững. Xã coi đây là hướng đi hiệu quả thiết thực, không chỉ tạo ra nguồn thu nhập ổn định mà còn giúp cuộc sống người dân no đủ.

W-giam ngheo.jpg
Đối với các huyện, xã nghèo, đi làm việc ở nước ngoài là kênh tích cực, hiệu quả, nhanh chóng để giảm nghèo bền vững.

Tại huyện Nam Trà My, các ngành liên quan dành nhiều thời gian khảo sát, lựa chọn thị trường phù hợp với lao động địa phương. Đồng thời, huyện tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ người dân tiến hành các thủ tục để thuận lợi khi đi làm việc ở nước ngoài. Năm 2024, huyện có khoảng 90 lao động địa phương làm hồ sơ xuất cảnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, như làm thời vụ tại quận Hamyang (Hàn Quốc) theo thỏa thuận hợp tác giữa quận Hamyang và huyện Nam Trà My; làm theo hợp đồng lao động tại Ả-rập Xê-út và Liên bang Nga.

Cuối tháng 3, có 20 lao động Nam Trà My lên đường sang Hàn Quốc làm việc theo thời hạn 5 tháng. Những lao động còn lại xuất cảnh trong tháng 4 và tháng 5. Với người dân huyện nghèo Nam Trà My, thời gian lao động ở nước ngoài là cơ hội tốt tạo nguồn thu nhập ổn định. Khi trở về, các lao động sẽ có một nguồn vốn đủ để tạo sinh kế cho bản thân, phát triển kinh tế và góp phần giảm nghèo bền vững.   

Tại huyện miền núi Đông Giang (Quảng Nam), xuất khẩu lao động đã giúp nhiều thanh niên thuộc diện hộ nghèo có cuộc sống ổn định. Năm 2023, huyện đưa 46 lao động xuất khẩu qua các nước Lào, Nhật Bản, Hàn Quốc. 4 tháng đầu năm nay, địa phương có 20 lao động làm thủ tục đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài. Năm 2024, huyện Đông Giang quyết tâm đưa ít nhất 45 người đi xuất khẩu lao động.  

Xuất khẩu lao động đã giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc Cơ Tu có cuộc sống tốt hơn. Đơn cử như gia đình bà Trịnh Thị Nga, ở xã Ba, từng thuộc diện hộ nghèo chỉ vài năm trước. Các con trưởng thành nhưng không có việc làm ổn định, gia đình bà đã làm hồ sơ vay hơn 200 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội cho 2 con đi xuất khẩu lao động ở Nhật Bản. Mỗi tháng, sau khi trừ chi phí, 2 con của bà đều đặn gửi về 40 triệu đồng. Nhờ vậy, sau một năm, gia đình bà trả hết số vay nợ, thoát nghèo, thêm điều kiện để dựng ngôi nhà kiên cố khang trang, mở rộng việc kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho người ở nhà.

Ông Nguyễn Bá Hoan, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài là hoạt động kinh tế quan trọng, là giải pháp giải quyết vấn đề an sinh xã hội hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo. Thực hiện chủ trương này, Việt Nam đã đưa hàng trăm ngàn người lao động đi làm việc tại các thị trường truyền thống Hàn quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… 

Ngoài việc tích lũy kinh nghiệm, tác phong làm việc khoa học, kiến thức chuyên môn, kỹ thuật, sau thời gian làm việc ở nước ngoài, người lao động trở về địa phương góp phần tích cực trong tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển kinh tế của gia đình. Nhiều người, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo, không chỉ tạo việc làm cho bản thân mà còn phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho cộng đồng, vươn lên làm giàu.

Đối với người lao động tại các huyện nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các xã bãi ngang ven biển hải đảo, vùng còn khó khăn, đi làm việc ở nước ngoài là kênh tích cực, hiệu quả, nhanh chóng để giảm nghèo bền vững. 

* NGUỒN THAM KHẢO 

Bài viết: Giảm nghèo cho bản thân, gia đình, địa phương nhờ xuất khẩu lao động  ?
Báo: vietnamnet 
Ngày:29/10/2024
Link đến bài gốc: Giảm nghèo cho bản thân, gia đình, địa phương nhờ xuất khẩu lao động

* CƠ HỘI VIỆC LÀM 

Nhà tuyển dụng: Công Ty TNHH Vietseiko 
Link việc làm: Danh sách việc làm tại Việt Nam