- Tin tức
- Chi tiết tin tức
Đón dòng vốn FDI dịch chuyển sang Việt Nam

Sự dịch chuyển các chuỗi sản xuất toàn cầu, nhất là trong các ngành công nghệ lõi, công nghệ chíp, công nghệ của tương lai đang mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam thu hút vốn FDI công nghệ cao. Quý I/2024, Việt Nam tiếp tục đón nhận 6,17 tỷ USD vốn FDI trong 17/21 ngành kinh tế, tăng 13,4% so cùng kỳ.
Thu hút dự án công nghệ cao
Trong buổi làm việc với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng và Ðoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Ðầu tư đến làm việc tại Bắc Kinh và Thượng Hải cuối tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Ðào cho biết, hiện nay, một số chuỗi sản xuất của Trung Quốc như dệt may, đồ gia dụng, đồ gỗ… đã chuyển sang Việt Nam. Ðầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đang gia tăng nhanh chóng, nhất là trong lĩnh vực điện tử. Nhiều doanh nghiệp phụ trợ của Trung Quốc cung cấp sản phẩm cho các hãng điện tử lớn toàn cầu như Samsung, Apple cũng đặt nhà máy ở Việt Nam sau khi khảo sát tại những quốc gia cạnh tranh khác.
Trong xu thế chuyển dịch đó, Tập đoàn Quanta Computer Inc (Ðài Loan-Trung Quốc) quyết định xây dựng nhà máy sản xuất máy tính thứ 9 trên thế giới tại khu công nghiệp Mỹ Thuận, tỉnh Nam Ðịnh với quy mô vốn đăng ký 120 triệu USD, công suất 4,5 triệu sản phẩm/năm trong giai đoạn 1. Quanta Computer là một trong những nhà sản xuất máy tính lớn nhất thế giới, chuyên lắp ráp MacBook cho Apple.
Ðể đón “đại bàng” về xây tổ, ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực HÐND tỉnh Nam Ðịnh cho biết trước đó, tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện về quỹ đất hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế; nguồn nhân lực; hạ tầng năng lượng; phát triển công nghiệp phụ trợ và luôn đồng hành với nhà đầu tư. Vì vậy, quy trình cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án được hoàn tất chỉ trong khoảng 24 giờ kể từ khi nhà đầu tư nộp hồ sơ hợp lệ và chỉ sau 15 ngày ký Thỏa thuận phát triển dự án.
Trong thực tế, việc hình thành hệ sinh thái hỗ trợ tại Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng để thu hút dòng vốn FDI đang dịch chuyển. Khi tìm hiểu cơ hội đầu tư tại một địa phương, nhà đầu tư nước ngoài thường xem xét yếu tố ưu tiên là đã có doanh nghiệp FDI lớn đầu tư tại địa phương đó hay chưa. Do đó, việc thu hút được “đại bàng” đến làm tổ hay động thái mở rộng quy mô sản xuất của các nhà đầu tư hiện hữu có ý nghĩa rất quan trọng. Tính đến quý I/2024, Nam Ðịnh có gần 170 dự án FDI với tổng vốn đầu tư hơn 4,1 tỷ USD.
Hiện đang có làn sóng đầu từ FDI mới vào Việt Nam. Trong chính sách hướng nam của Hàn Quốc, Việt Nam được xác định là vị trí số một về thu hút đầu tư, nhiều Biên bản ghi nhớ (MOU) giữa doanh nghiệp hai nước đã và đang được triển khai kể từ sau chuyến thăm chính thức của Tổng thống Hàn Quốc đến Việt Nam tháng 6/2023.
Ðỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Ðầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Ðầu tư)
Ðối với dòng đầu tư của Nhật Bản tuy có sự chững lại do đồng Yên mất giá nhưng Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản đánh giá nhiều doanh nghiệp nước này đang ấp ủ dự án đầu tư vào Việt Nam. Trong khi đó, Trung Quốc hiện nổi lên là một quốc gia đầu tư vào Việt Nam rất mạnh mẽ với nhiều dự án quy mô lớn thuộc tập đoàn tốp 10 thế giới đang chuẩn bị triển khai.
Cục trưởng Ðỗ Nhất Hoàng cũng khẳng định tiêu chí thu hút đầu tư của Việt Nam trong giai đoạn này là hướng đến công nghệ cao, công nghệ mới, không tiếp nhận dự án công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn ô nhiễm môi trường, thâm dụng lao động. Làn sóng đầu tư thứ tư dự kiến còn được bồi đắp bởi dòng vốn đầu tư của Mỹ khi rất nhiều đoàn doanh nghiệp đang khảo sát hệ sinh thái về chíp bán dẫn tại Việt Nam. Cũng trong giai đoạn này, nhiều đoàn doanh nghiệp châu Âu xúc tiến đầu tư vào Việt Nam và rất quan tâm đến chiến lược tăng trưởng xanh, hiện thực hóa cam kết giảm phát thải bằng 0 vào năm 2050.
Xây dựng đội ngũ doanh nghiệp nội địa mạnh
Thông tin đến nhà đầu tư về sự chuẩn bị của Việt Nam trước cơ hội đón làn sóng FDI mới, Cục trưởng Ðỗ Nhất Hoàng cho biết, Việt Nam đã và đang tập trung chuẩn bị quỹ đất sạch thông qua phát triển hệ thống hạ tầng khu công nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư các nguồn điện mới, phát triển ngành dịch vụ logistics và nhất là đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng tạo thuận lợi cho nhà đầu tư.
“Trước đây, khi nhà đầu tư FDI vào Việt Nam muốn gặp giám đốc Sở để kiến nghị là rất khó, nhưng hiện nay hoàn toàn có thể đối thoại trực tiếp với lãnh đạo tỉnh. Các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh sẵn sàng gặp nhà đầu tư để tìm ra các phương án tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp”, Cục trưởng Ðỗ Nhất Hoàng chia sẻ.
Theo bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Thống kê Công nghiệp và Xây dựng, Tổng cục Thống kê, kết quả thu hút FDI quý đầu năm 2024 đã khẳng định niềm tin của các doanh nghiệp nước ngoài vào môi trường đầu tư của Việt Nam và tiếp tục đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án hiện hữu. Các nhà đầu tư nước ngoài đã rót vốn vào 42 tỉnh, thành phố trong cả nước, cho thấy môi trường đầu tư Việt Nam được cải thiện, hấp dẫn với nhiều ưu thế vượt trội. Ðáng lưu ý, nhiều dự án lớn trong các lĩnh vực năng lượng như sản xuất pin, tế bào quang điện, các dự án sản xuất linh kiện, sản phẩm điện tử, sản phẩm nhiều giá trị gia tăng đã được đầu tư mới và mở rộng vốn.
Năm 2024 được dự báo là điểm khởi đầu của làn sóng đầu tư nước ngoài thứ tư vào Việt Nam. Nhiều địa phương đã chủ động chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đón dòng vốn ngoại, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ðể thu hút các dự án công nghệ cao, các chuyên gia kinh tế kiến nghị Chính phủ cần nâng cao tính cạnh tranh bằng cách tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, xây dựng khung chính sách khuyến khích đầu tư phù hợp khi áp dụng cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu từ ngày 1/1/2024.
Ðặc biệt, Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước để hình thành lực lượng doanh nghiệp nội địa mạnh, đủ sức tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, sản xuất của các doanh nghiệp FDI ở phân khúc có công nghệ cao, hình thành hệ sinh thái cho ngành công nghiệp bán dẫn.
"Nguồn được lấy từ Báo Mới , ngày 19/04/2024, link đến bài gốc: https://baomoi.com/don-dong-von-fdi-dich-chuyen-sang-viet-nam-c48881485.epi
- Chuyên tư vấn giới thiệu việc làm Xuất khẩu lao động Nhật Bản và việc làm trong nước.
----------------------------------- - VIETSEIKO - Khát vọng của bạn, tương lai của chúng ta
- Website: https://vietseiko.com
- Hotline: 090 397 2626 - (028) 3636.9996
- Email: cv@vietseiko.com
- Địa Chỉ: 108/17, Đường 79, phường Tăng Nhơn Phú B, Tp. Thủ Đức, Thành Phố Hồ Chí Minh
Tin tức liên quan

Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Takeshi Iwaya cho biết, nước này muốn tận dụng sự kiện Triển lãm quốc tế kéo dài hơn 180 ngày để có cơ hội gặp gỡ các đối tác nhiều nhất có thể. Nhiều quốc gia đã cử quan chức cấp bộ trưởng trở lên đến Nhật Bản tham dự lễ khai mạc triển lãm này.
Thủ tướng Nhật Bản Ishiba Shigeru đã hội đàm với Tổng thống Turkmenistan Serdar Berdymukhamedov nhân dịp tham dự lễ khai trương gian hàng của nước này tại đây. Sự kiện này đánh dấu sự ra mắt chính thức của “Ngoại giao Expo”. Thủ tướng Ishiba nhấn mạnh Turkmenistan là đối tác cùng có lợi của Nhật Bản dựa trên tình hữu nghị và sự tin cậy lẫn nhau.
* NGUỒN THAM KHẢO
Bài viết: Nhật Bản ưu tiên “Ngoại giao Expo”
Báo: nhandan
Ngày: 18/04/2025
Link đến bài gốc: https://nhandan.vn/nhat-ban-uu-tien-ngoai-giao-expo-post873019.html
Nhà tuyển dụng: Công Ty TNHH Vietseiko
Link việc làm: https://www.vietseiko.com/viec-lam-xkld-nhat-ban
.jpeg)
Thành phố Hồ Chí Minh vừa đề xuất một số định hướng hợp tác với 3 nước Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản, trong đó có đề nghị Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc cùng xây dựng khung hợp tác đào tạo nguồn nhân lực.
Trung tâm Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (C4IR) tại Thành phố Hồ Chí Minh vừa có buổi làm việc với Phái đoàn Tổng Lãnh sự các nước Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc về phương hướng hợp tác, thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao.
Tại buổi làm việc, ông Lê Trường Duy, Giám đốc C4IR Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất một số định hướng hợp tác với 3 nước Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản.
Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh mong muốn 3 quốc gia Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản cùng Việt Nam xây dựng sàn giao dịch công nghệ theo mô hình hợp tác công-tư, đạt chuẩn quốc tế để cùng tạo ra công nghệ mới và hàng hóa công nghệ có giá trị cho tất cả các bên. Sàn giao dịch này sẽ là nơi kết nối, chia sẻ công nghệ tiên tiến từ các nước tham gia, tạo ra công nghệ mới và hàng hóa công nghệ có giá trị cho tất cả các bên.
Thành phố Hồ Chí Minh muốn cùng với 3 quốc gia Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản thiết lập cơ chế điều phối chuỗi cung ứng bền vững thông qua các công cụ công nghệ tiên tiến để thắt chặt, nâng cao giá trị, tối ưu hóa quy trình sản xuất, giảm thiểu chi phí và tăng cường khả năng cạnh tranh cho các doanh nghiệp tham gia. Sau đó là thu hút đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng mong muốn thu hút ít nhất hai nhà đầu tư từ mỗi quốc gia đầu tư vào Thành phố Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực trọng điểm như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, vật liệu mới, công nghệ sinh học và nghiên cứu phát triển (R&D), bởi những khoản đầu tư này sẽ góp phần nâng cao hạ tầng thiết bị, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam, từ đó tạo ra giá trị tốt hơn và nhiều hơn cho chuỗi cung ứng toàn cầu.
Giám đốc C4IR Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề xuất 3 nước Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản và Thành phố Hồ Chí Minh cùng xây dựng khung hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chính thức, trong đó tập trung vào việc đào tạo 1.000 kỹ sư chuyên sâu cho giai đoạn 2025 – 2026, hỗ trợ ít nhất 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Thành phố Hồ Chí Minh tiếp cận, ứng dụng trí tuệ nhân tạo phổ quát và chuyên ngành.
Đề xuất xây dựng các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp và trao đổi sinh viên ngành khoa học công nghệ giữa 4 quốc gia. Những chương trình này sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và sinh viên được học hỏi, nâng cao kiến thức, kỹ năng và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào thực tiễn.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã chia sẻ mong muốn Thành phố Hồ Chí Minh cần cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư-kinh doanh để tăng sức cạnh tranh trong thu hút đầu tư nước ngoài; tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục hành chính theo hướng thông thoáng hơn và rút ngắn thời gian giải quyết; chính quyền cần hỗ trợ doanh nghiệp tốt và thực chất hơn, thiết lập những kênh liên lạc thuận tiện, rõ ràng và cụ thể hơn.
Các đại biểu cũng đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh cần đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực phù hợp; cải thiện cơ sở hạ tầng...
Từ những đề xuất thẳng thắn và thiết thực của 3 phái đoàn công tác Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản, Giám đốc C4IR Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, Thành phố Hồ Chí Minh luôn nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư một cách nhanh chóng và thực chất.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ có các chính sách ưu đãi đặc biệt dành cho các nhà đầu tư.
"Việc các bên cùng lên tiếng và đưa ra giải pháp là cơ sở để Thành phố Hồ Chí Minh từng bước tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư nước ngoài. Tất cả chúng ta phải cùng vào cuộc nhằm thúc đẩy lợi ích chung cao nhất cho 4 quốc gia nói chung và cộng đồng doanh nghiệp của 4 quốc gia nói riêng" - ông Lê Trường Duy nhấn mạnh.

TCDN - Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu trong ngày 11/4 thành lập đoàn đàm phán với phía Mỹ do Bộ trưởng Công Thương làm trưởng đoàn; xây dựng kịch bản, phương án phù hợp, tinh thần là bảo đảm tối đa lợi ích quốc gia, dân tộc và lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Chiều 10/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp thứ 4 của Thường trực Chính phủ ứng phó với chính sách thuế quan mới của Mỹ và các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.
Theo đánh giá đến thời điểm này, việc nắm tình hình, phản ứng và thực thi chính sách của Việt Nam kịp thời, phù hợp, linh hoạt, hiệu quả. Sau Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ đã đồng ý và tuyên bố đàm phán thỏa thuận về thương mại đối ứng với Việt Nam với mục tiêu giảm thâm hụt thương mại giữa hai nước, bảo đảm cân bằng bền vững, lâu dài.
Về quan điểm, Thủ tướng lưu ý, phải đặt công việc này trong tổng thể chung phát triển đất nước, quan hệ quốc tế của Việt Nam, không để ảnh hưởng tới tổng thể 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết với trên 60 thị trường trên thế giới; xử lý vấn đề này không ảnh hưởng vấn đề khác, ứng xử với đối tác này không để ảnh hưởng tới đối tác khác.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu trong ngày 11/4 thành lập đoàn đàm phán với phía Mỹ do Bộ trưởng Công thương làm trưởng đoàn, xây dựng kịch bản, phương án phù hợp, tinh thần là bảo đảm tối đa lợi ích quốc gia, dân tộc và lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Các bộ Công Thương, Tài chính, Ngoại giao tiếp tục tham khảo ý kiến quốc tế; đồng thời bảo đảm thực hiện các cam kết của Việt Nam với các nước và không để gian lận thương mại.
Trong nước, Thủ tướng lưu ý các chính sách tài khóa, các giải pháp giãn, hoãn thuế thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ, ngành thì làm ngay. Các chính sách miễn, giảm thuế thì tiếp tục nghiên cứu, đề xuất ngay Quốc hội ban hành nghị quyết. Việc hoàn thuế VAT phải nhanh, kịp thời, cắt giảm thủ tục hành chính...
Thủ tướng nêu rõ, chúng ta còn nhiều thị trường truyền thống và tiềm năng. Do đó, cần khai thác hiệu quả hơn 17 FTA đã ký, tiếp tục mở các thị trường mới, như Trung Đông, Đông Âu, Nam Á, Ai Cập, Nam Mỹ…
Giải quyết tối đa, thỏa đáng các vấn đề thương mại mà Mỹ quan tâm, nhất là xuất xứ hàng hóa, hàng rào phi thuế quan, sở hữu trí tuệ. Song song với đó, tiếp tục mở cửa thị trường với các đối tác, khu vực khác; tích cực trao đổi hàng hóa với các nước, trong đó có Mỹ, nhất là máy bay, khí LNG...
Về chính sách tiền tệ, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục ổn định tỷ giá, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất thông qua giảm chi phí, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số; thực hiện khoanh nợ, giãn, hoãn nợ; đề xuất, triển khai các giải pháp, như các gói tín dụng ưu đãi với một số lĩnh vực, mặt hàng như gói tín dụng 500.000 tỷ đồng cho hạ tầng, khoa học công nghệ, kích cầu tiêu dùng trong nước…
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định cương quyết cắt giảm thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền theo đúng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Nghị quyết của Chính phủ, phấn đấu năm 2025 giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí kinh doanh; bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh.
Về chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, Thủ tướng lưu ý thêm yêu cầu không để xảy ra thất nghiệp; rà soát các đối tượng bị ảnh hưởng, nhất là trong các ngành dệt may, da giày, đồ gỗ, thủy sản..., báo cáo Chính phủ trước ngày 20/4.
* NGUỒN THAM KHẢO
Bài viết: Thủ tướng: Thành lập đoàn đàm phán thương mại với Mỹ trong ngày 11/4
Báo: taichinhdoanhnghiep
Ngày: 11/04/2025
Link đến bài gốc: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/thu-tuong-thanh-lap-doan-dam-phan-thuong-mai-voi-my-trong-ngay-11-4-d57555.html
Nhà tuyển dụng: Công Ty TNHH Vietseiko
Link việc làm: https://www.vietseiko.com/viec-lam-xkld-nhat-ban

Ngày 3/4, Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp Đại sứ Nhật Bản Ito Naoki, khẳng định quan hệ 2 nước tiếp tục phát triển sau hơn 1 năm trở thành Đối tác chiến lược toàn diện.
Tại buổi tiếp, Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ vui mừng trước những bước tiến tích cực trong quan hệ Việt Nam - Nhật Bản trên tất cả các lĩnh vực.
Tổng Bí thư khẳng định, trong bối cảnh tình hình quốc tế có nhiều biến động, Việt Nam luôn coi Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu, là người bạn chân thành và đáng tin cậy. Đồng thời bày tỏ mong muốn hai bên tiếp tục triển khai thực chất, hiệu quả các nội dung trong khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện, nhằm thúc đẩy sự phát triển chung.
Tổng Bí thư cũng chia sẻ về những định hướng phát triển dài hạn của Việt Nam, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành nước phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Để đạt được các mục tiêu này, Việt Nam đang đẩy mạnh cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy tổ chức, tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực. Điều này nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp Nhật Bản.
Bày tỏ sự ghi nhận đối với những đóng góp tích cực của Đại sứ Ito Naoki sau gần một năm nhậm chức, Tổng Bí thư đánh giá cao vai trò của ông trong việc thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nhật Bản.
Tổng Bí thư cũng đề nghị hai bên tiếp tục tăng cường trao đổi đoàn cấp cao, mở rộng hợp tác kinh tế, đặc biệt là sự tham gia của doanh nghiệp Nhật Bản vào các dự án cơ sở hạ tầng chiến lược, năng lượng mới tại Việt Nam. Ngoài ra, hai nước cũng cần đẩy mạnh hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, cũng như mở rộng sang các lĩnh vực mới như AI, bán dẫn.
Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường phối hợp, chia sẻ lập trường và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế và khu vực, nhằm bảo vệ lợi ích chung và duy trì môi trường ổn định.
![]() |
Tổng Bí thư khẳng định, Việt Nam nhất quán coi Nhật Bản là người bạn chân thành và tin cậy. Ảnh: TTXVN |
Đại sứ Ito Naoki bày tỏ vinh dự khi được Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp và đánh giá cao những ý kiến chỉ đạo của ông về định hướng thúc đẩy quan hệ hai nước. Đại sứ khẳng định quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang phát triển ngày càng sâu sắc trên nhiều lĩnh vực, không chỉ giới hạn ở kinh tế, thương mại, đầu tư mà còn mở rộng sang quốc phòng, an ninh và giao lưu nhân dân.
Ông nhấn mạnh Nhật Bản luôn coi trọng và ưu tiên Việt Nam trong chính sách đối ngoại tại khu vực, đồng thời sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Bày tỏ tin tưởng vào quyết tâm của lãnh đạo Việt Nam trong việc cải cách bộ máy và phát triển kinh tế, Đại sứ Ito Naoki cam kết sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương hai nước. Ông khẳng định Nhật Bản sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác thực chất trong nhiều lĩnh vực, góp phần đưa quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Nhật Bản ngày càng phát triển sâu rộng.
* NGUỒN THAM KHẢO
Bài viết: Việt Nam - Nhật Bản mở rộng hợp tác kinh tế, năng lượng
Báo: congthuong
Ngày: 04/04/2025
Link đến bài gốc: https://congthuong.vn/viet-nam-nhat-ban-mo-rong-hop-tac-kinh-te-nang-luong-381336.html
Nhà tuyển dụng: Công Ty TNHH Vietseiko
Link việc làm: https://www.vietseiko.com/viec-lam-xkld-nhat-ban

Đoàn công tác xúc tiến đầu tư và kết nối địa phương tỉnh Long An do Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Út làm trưởng đoàn vừa tổ chức thành công chương trình Xúc tiến Đầu tư - Thương mại Long An - Nhật Bản tại Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản.
Chương trình xúc tiến đầu tư thương mại Long An – Nhật Bản năm 2025 do UBND tỉnh Long An phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản và Hiệp hội Xúc tiến Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản tổ chức.
Sự kiện vinh dự có sự tham dự của Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu; Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út; Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản Vũ Hoàng Đức; Chủ tịch Liên hiệp hội người Việt Nam tại Nhật Bản, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn.
Chương trình thu hút hơn 100 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan ngoại giao, tổ chức và doanh nghiệp hai nước, mở ra nhiều cơ hội hợp tác chiến lược giữa Long An và các đối tác Nhật Bản.
Phát biểu tại chương trình, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út nhấn mạnh: Nhật Bản luôn là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Long An, với 161 dự án đầu tư FDI có tổng vốn trên 1,2 tỷ USD, xếp thứ tư về số dự án và vốn đầu tư trên tổng số các đối tác có dự án tại tỉnh. Điều này thể hiện niềm tin mạnh mẽ của các nhà đầu tư Nhật Bản vào môi trường kinh doanh tại tỉnh.
Với vị trí cửa ngõ chiến lược giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam, Long An không chỉ sở hữu hạ tầng phát triển, nguồn nhân lực dồi dào mà còn không ngừng nâng cao chất lượng môi trường đầu tư. Không chỉ hướng đến thu hút vốn đầu tư, Long An mong muốn học hỏi mô hình phát triển tiên tiến của Nhật Bản, ứng dụng công nghệ hiện đại vào công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và quản lý hành chính, tạo nền tảng vững chắc để hai bên cùng phát triển thịnh vượng và gặt hái thành công lâu dài.
Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh: Nhật Bản luôn là đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Đại sứ đánh giá cao sự năng động, định hướng phát triển của Long An trong việc kết nối với cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản.
Đồng thời, tin tưởng, với cam kết mạnh mẽ từ chính quyền tỉnh cùng sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật Bản, Long An sẽ không chỉ là điểm đến đầu tư mà còn là trung tâm hợp tác chiến lược, góp phần thúc đẩy mối quan hệ Việt Nam - Nhật Bản ngày càng bền chặt, hiệu quả. Đại sứ khẳng định, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ Long An trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư với các doanh nghiệp Nhật Bản; cam kết sẽ làm cầu nối tích cực, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai bên kết nối, trao đổi thông tin và triển khai các dự án thành công tại Long An.
Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu đã tập trung thảo luận về cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản. Theo đó, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Long An Trương Văn Liếp cho rằng Long An đang từng bước trở thành trung tâm phát triển công nghiệp công nghệ cao của cả vùng. Với định hướng phát triển bền vững, tỉnh ưu tiên thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản vào các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ bán dẫn, đô thị và sân golf tiêu chuẩn quốc tế, logistics, trung tâm thương mại, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và năng lượng tái tạo.
Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản Vũ Hoàng Đức đánh giá nhà đầu tư Nhật Bản có thế mạnh về công nghệ, quản trị doanh nghiệp và phát triển công nghiệp bền vững. Trong khi, Long An đang nổi lên như một điểm đến đầu tư hấp dẫn với hạ tầng phát triển, quỹ đất công nghiệp dồi dào và môi trường kinh doanh thuận lợi. Để thu hút, tối ưu hóa hiệu quả đầu tư từ Nhật Bản, Long An cần tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ và đẩy mạnh hợp tác trong chuyển giao công nghệ.
Một trong những điểm nhấn của chương trình lần này là lễ ký kết 3 thỏa thuận hợp tác quan trọng, mở ra những cơ hội hợp tác chiến lược giữa Long An và các đối tác Nhật Bản. Đáng chú ý, tiếp nối thành công từ dự án 110 triệu USD của Vina Ecoboard tại Khu công nghiệp Phú An Thạnh, Tập đoàn lâm nghiệp hàng đầu Nhật Bản Sumitomo đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư vùng nguyên liệu tràm tại tỉnh nhằm cung cấp nguyên liệu sinh khối hứa hẹn sẽ thúc đẩy sự phát triển bền vững trong ngành chế biến gỗ và năng lượng tái tạo.
Hiệp hội Xúc tiến kinh tế Việt Nam – Nhật Bản trao Ý định thư quan tâm xúc tiến đầu tư nhiều lĩnh vực vào tỉnh Long An
Bên cạnh đó, Khu công nghiệp Prodezi – Khu công nghiệp sinh thái lớn nhất Đồng bằng sông Cửu Long với quy mô 400ha đang từng bước hiện thực hóa mô hình phát triển bền vững thông qua sự hợp tác với Tập đoàn Chitose triển khai các giải pháp công nghệ sinh học tiên tiến trong việc xử lý nước thải, sản xuất phân hữu cơ, trồng cây bằng hệ thống thủy canh hữu cơ tại khu công nghiệp Prodezi. Hợp tác trên không chỉ giúp Prodezi xây dựng hệ sinh thái công nghiệp xanh, mà còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong khu công nghiệp tiếp cận các giải pháp công nghệ tiên tiến, tối ưu hóa sản xuất, hướng tới phát triển thân thiện với môi trường.
Không chỉ dừng lại ở lĩnh vực công nghiệp, Long An còn đạt được những bước tiến mới trong các hợp tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển du lịch kết hợp nông nghiệp công nghệ cao, chuyển giao công nghệ sinh học, dược phẩm và y tế thông qua ý định thư của Hiệp hội xúc tiến hợp tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản trao cho UBND tỉnh Long An đề nghị xúc tiến đầu tư, kết nối mời gọi các dự án vào tỉnh Long An. Những lĩnh vực này không chỉ phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh mà còn tận dụng tối đa thế mạnh của Nhật Bản, hứa hẹn mang lại những dự án mang tính đột phá trong thời gian tới.
Tại phiên kết nối đầu tư, một tập đoàn lớn tại Nhật Bản đặc biệt quan tâm tới dự án nhà máy đốt rác phát điện tại huyện Thủ Thừa. Với kinh nghiệm hàng đầu trong lĩnh vực xử lý chất thải, sản xuất năng lượng tái tạo, tập đoàn này đã bày tỏ mong muốn tham gia dự án này. Dự kiến, trong tháng 4.2025, nhà đầu tư Nhật Bản sẽ cử đoàn chuyên gia đến Long An để khảo sát, thảo luận chi tiết về kế hoạch đầu tư. Đây là bước tiến quan trọng trong việc giải quyết vấn đề môi trường, đồng thời tận dụng công nghệ Nhật Bản để biến rác thải thành nguồn năng lượng có giá trị.
Với những kết quả ấn tượng đạt được tại chương trình, có thể thấy rằng, Long An không chỉ thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ các doanh nghiệp Nhật Bản mà còn dần khẳng định vai trò là điểm đến đầu tư chiến lược tại Việt Nam. Những thỏa thuận hợp tác này chính là bước khởi đầu cho một giai đoạn hợp tác sâu rộng hơn, tạo ra động lực phát triển lâu dài giữa Long An và các đối tác Nhật Bản.
Bên lề các buổi làm việc, đoàn công tác đã có buổi chào xã giao riêng với Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Phạm Quang Hiệu và Nguyên Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.Hồ Chí Minh Wantanabe Nobuhiro.
Cả hai đại diện ngoại giao của Việt Nam và Nhật Bản đều đánh giá cao môi trường đầu tư của tỉnh Long An. Đặc biệt, là sự năng động, những chính sách hỗ trợ thiết thực dành cho doanh nghiệp Nhật Bản của lãnh đạo tỉnh Long An. Ông Wantanabe Nobuhiro dành nhiều tình cảm cho mảnh đất và con người Long An, cam kết sẽ tích cực kết nối, thúc đẩy các doanh nghiệp Nhật Bản tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội đầu tư tại tỉnh. Đồng thời, ông cũng bày tỏ mong muốn lãnh đạo tỉnh quan tâm đến việc thiết lập quan hệ hợp tác với tỉnh Yamanashi - quê hương ông. Nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, vốn là thế mạnh của Yamanashi và giàu tiềm năng hợp tác với tỉnh Long An. Sự hợp tác này hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy hợp tác kinh tế toàn diện giữa hai địa phương.
Đoàn công tác tỉnh Long An chào xã giao tại Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản
Tiếp nối thành công của ngày làm việc đầu tiên, đoàn công tác tỉnh Long An sẽ có các buổi gặp gỡ, làm việc với nhiều tổ chức, doanh nghiệp tại Tokyo, tỉnh Ibaraki. Nhằm tiếp tục thảo luận về các lĩnh vực hợp tác tiềm năng. Với tinh thần chủ động, cởi mở và cam kết mạnh mẽ từ cả hai phía, chuyến công tác hứa hẹn sẽ mang lại nhiều thành quả thiết thực, góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa Long An và Nhật Bản lên một tầm cao mới.
* NGUỒN THAM KHẢO
Bài viết: Kinh tế toàn cầu đối mặt bất ổn trước chính sách thuế quan mới của Mỹ
Báo: daibieunhandan
Ngày: 31/03/2025
Link đến bài gốc: https://daibieunhandan.vn/thuc-day-hop-tac-dau-tu-thuong-mai-giua-long-an-va-nhat-ban-post408951.html
Nhà tuyển dụng: Công Ty TNHH Vietseiko
Link việc làm: https://www.vietseiko.com/viec-lam-xkld-nhat-ban

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba khẳng định kế hoạch thuế quan của Mỹ sẽ gây "tác động cực kỳ lớn" đối với nền kinh tế nước này, do xuất khẩu ô tô là một trong những động lực chính thúc đẩy tăng trưởng.
Phát biểu trước Quốc hội ngày 28/3, ông Ishiba nhấn mạnh Nhật Bản sẽ tìm ra phương thức hiệu quả để thuyết phục Washington rằng chính sách này không mang lại lợi ích cho nền kinh tế đầu tàu thế giới, đồng thời bày tỏ sẵn sàng tiếp tục đàm phán để tìm kiếm giải pháp.
Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) cũng cảnh báo ảnh hưởng tiêu cực của chính sách thuế mới. Một số thành viên Hội đồng Chính sách Tiền tệ cho rằng cần thận trọng khi quyết định tăng lãi suất, do thuế quan có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế Nhật Bản.
Trong cuộc họp chính sách tuần trước, BoJ quyết định duy trì lãi suất ngắn hạn ở mức 0,5% trước sự bất ổn ngày càng tăng trong chính sách thương mại của Mỹ. Tại Hàn Quốc, Viện Chính sách Kinh tế Quốc tế (KIEP) nhận định xu hướng bảo hộ thương mại gia tăng có thể gây áp lực lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, khiến lạm phát tăng cao và tỷ giá hối đoái bất ổn.
Trong một cuộc họp do Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc tổ chức, các chuyên gia cho rằng cuộc chiến thuế quan không thể giải quyết căn bản tình trạng dư cung và tăng trưởng chậm của kinh tế thế giới, mà còn gây thêm bất ổn cho thị trường tài chính.
Ông Lee Jae Keun, người đứng đầu Vụ Chiến lược và Chính sách Thương mại Mới, cho rằng chính phủ và các tổ chức thương mại cần nhanh chóng điều chỉnh chiến lược để thích ứng với sự thay đổi của môi trường thương mại toàn cầu.
Trong khi đó, Bộ trưởng Ngoại thương Brazil Tatiana Prazeres cảnh báo rằng thương mại toàn cầu đang có nguy cơ bị "vũ khí hóa" sau những chính sách thuế gây tranh cãi của Mỹ.
Phát biểu tại một hội nghị thương mại ở London, bà Prazeres nhận định thương mại đang bị sử dụng như một công cụ quyền lực, dẫn đến nhiều rủi ro khó lường. Chính phủ Brazil khẳng định sẽ duy trì hệ thống thương mại đa phương và bảo vệ lợi ích quốc gia thông qua Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng, nước này đang tìm cách mở rộng hợp tác thương mại với các đối tác quốc tế, đặc biệt thông qua các thỏa thuận như hiệp định thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR).
Các quan chức Brazil dự đoán hệ thống thương mại toàn cầu sẽ còn gặp nhiều thách thức, trước khi có thể tìm ra giải pháp ổn định. Do đó, Brazil sẽ tiếp tục tìm kiếm các liên minh thương mại mới và thúc đẩy các quy tắc thương mại minh bạch dựa trên luật pháp quốc tế.
* NGUỒN THAM KHẢO
Bài viết: Kinh tế toàn cầu đối mặt bất ổn trước chính sách thuế quan mới của Mỹ
Báo: baoninhbinh
Ngày: 31/03/2025
Link đến bài gốc: https://baoninhbinh.org.vn/kinh-te-toan-cau-doi-mat-bat-on-truoc-chinh-sach-thue-quan-092682.htm
Nhà tuyển dụng: Công Ty TNHH Vietseiko
Link việc làm: https://www.vietseiko.com/viec-lam-xkld-nhat-ban