Các dự án, chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi đã giúp người dân nghèo, cận nghèo ở Gio Linh có cơ hội đi lao động theo hợp đồng ở nước ngoài, tạo việc làm, thu nhập ổn định.
Tính đến hết tháng 6, bằng nhiều nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức cùng ý chí vươn lên của người dân, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Gio Linh (Quảng Trị) giảm còn 5,3%, tương đương với giảm 1,3% so với cuối năm 2023. Từ nguồn Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi, tạo sinh kế, giải quyết việc làm... đang phát huy hiệu quả.
Tính đến 30/6, tổng dư nợ trên địa bàn huyện Gio Linh đạt trên 651 tỉ đồng, tốc độ tăng trưởng đạt 9,3% với 247 tổ tiết kiệm và vay vốn tại 17 xã, 97 thôn. Người dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, hộ chính sách... tại đây được tạo điều kiện để vay vốn việc làm, nhà ở, học tập, sinh kế...
Năm 2024, chị Nguyễn Thị Biên ở thôn 6, xã Gio Hải, huyện Gio Linh mạnh dạn vay vốn 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện để con trai được đi làm việc theo hợp đồng ở Hàn Quốc. Gia đình chị Biên thuộc đối tượng hộ cận nghèo. Từ ngày sang lao động trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản ở Hàn Quốc, con trai chị chăm chỉ, dành dụm tiền gửi về trả dần khoản vay và phụ giúp gia đình vượt qua khó khăn.
Tại xã Gio Hải, cũng như gia đình chị Biên, hiện có 27 người đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng (xuất khẩu lao động) thuộc đối tượng chính sách đang vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Nguồn kiều hối gửi về từ những lao động theo diện hợp đồng có thời hạn này khá lớn, giúp gia đình xây dựng nhà cửa, nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, nước sạch, nhà vệ sinh, thông tin... Không chỉ vậy, nguồn lực này còn đóng góp vào công cuộc giảm nghèo của địa phương, thông qua việc đầu tư vào các dịch vụ, cơ sở sản xuất, tạo thêm việc làm cho các lao động tại quê nhà, nâng cao đời sống.
Tương tự, tại thị trấn Cửa Việt, hiện có 17 người thuộc đối tượng chính sách được ngân hàng cho vay vốn ưu đãi để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tập trung nhiều ở thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc). Nhiều người xác định, đây không chỉ là cơ hội được nâng cao thu nhập, giúp gia đình vượt qua khó khăn, thoát nghèo trước mắt, mà còn mở ra nhiều ý tưởng chuẩn bị cho tương lai nhờ có việc làm bền vững sau khi kết thúc hợp đồng, trở về quê hương.
Tại huyện Gio Linh, giải quyết việc làm cho người lao động trong độ tuổi luôn được đặc biệt chú trọng, trong đó nổi bật là công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã cho 138 lượt người vay với tổng nguồn vốn gần 11,54 tỉ đồng; hiện còn 56 lao động đang vay vốn với dư nợ 4,7 tỉ đồng. Các đối tượng được vay gồm thành viên gia đình hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, thân nhân người có công với cách mạng...
Không chỉ được vay vốn ưu đãi, huyện Gio Linh nói riêng và các địa phương tại tỉnh Quảng Trị nói chung cũng áp dụng các chính sách hỗ trợ nhóm đối tượng đào tạo kỹ năng nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết… để đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Từ nguồn Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và các chương trình, dự án khác, người lao động được hỗ trợ tiền ăn, tiền ở, sinh hoạt phí trong thời gian đào tạo; tiền trang cấp đồ dùng cá nhân (quần áo đồng phục, chăn, màn, giày dép...); tiền đi lại cho người lao động từ nơi đăng ký hộ khẩu thường trú đến địa điểm đào tạo... Họ còn được hỗ trợ chi phí khám sức khỏe. Đối với người lao động thuộc hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo ở địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài được hỗ trợ tiền đào tạo nghề, bổ túc kỹ năng nghề...
Từ đây, nhiều người lao động đã mở được cánh cửa cơ hội giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.
Từ năm 2024-2026, tỉnh Quảng Trị áp dụng chính sách mới ban hành theo Nghị quyết số 119/2023/NQ-HÐND hỗ trợ thân nhân người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số; người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo; lực lượng vũ trang xuất ngũ trên địa bàn tỉnh tham gia làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng và khi hết hạn hợp đồng trở về nước có giao kết hợp đồng lao động trên địa bàn tỉnh.
Trong 3 năm 2024-2026, Quảng Trị sẽ hỗ trợ 750 người thuộc các đối tượng nêu trên đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; 93 lao động là lực lượng vũ trang xuất ngũ được vay vốn làm chi phí đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và 450 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hết hạn trở về nước, tìm được việc làm tại tỉnh.
Các đối tượng gồm thân nhân người có công với cách mạng, người dân tộc thiểu số, người lao động thuộc hộ nghèo khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ được hỗ trợ tiền một lần theo từng thị trường lao động như Nhật Bản: 10 triệu đồng/người; Hàn Quốc và Ðài Loan (Trung Quốc): 7 triệu đồng/người; lao động ở thị trường khác: 5 triệu đồng/người. Người lao động thuộc hộ cận nghèo khi tham gia làm việc nước ngoài theo hợp đồng được hỗ trợ 70% theo các mức trên.
* NGUỒN THAM KHẢO
Bài viết: Xuất khẩu lao động mở cơ hội tăng thu nhập, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững ?
Báo: vietnamnet
Ngày: 09/10/2024
Link đến bài gốc: Xuất khẩu lao động mở cơ hội tăng thu nhập, tạo việc làm, giảm nghèo bền vững (vietnamnet.vn)
* CƠ HỘI VIỆC LÀM
Nhà tuyển dụng: Công Ty TNHH Vietseiko
Theo Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD-ĐT, các thị trường lớn thu hút nhiều du học sinh Việt Nam hiện nay bao gồm: Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Mỹ.
- ‘Chế’ học bạ đẹp, đưa học sinh đi du học nước ngoài
- Thuê người làm bằng cấp, học bạ giả để "đỗ" hồ sơ đi du học
- Bộ Ngoại giao thông tin về vụ nữ du học sinh Việt Nam mất tích và qua đời tại Pháp
Thống kê từ Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD-ĐT cho thấy, số du học sinh tư vấn đi học thành công năm 2024 tính đến giữa tháng 9 là 1.361 trường hợp.
Trong đó, những thị trường dẫn đầu số du học sinh Việt Nam theo học gồm: Nhật Bản 836 người, Hàn Quốc 276 người, Đài Loan (Trung Quốc) 68, Úc 54, Đức 39, Canada 36.
Thống kê từ Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam năm 2023 ghi nhận có 23.500 người Việt du học Trung Quốc, giảm 3.500 người so với năm 2022.
Tương tự, theo Cơ quan Thực thi di trú và hải quan Mỹ (ICE), số du học sinh tại Mỹ năm 2023 là 31.310 người (giảm 21% so với mức cao nhất trước Covid-19).
Tổ chức Hỗ trợ sinh viên Nhật Bản (JASSO) cho biết, năm 2023 Việt Nam có 36.339 người du học Nhật (giảm 2,8% so với 2022).
Một trong những thị trường có số du học sinh tăng là Úc với 32.948 du học sinh Việt Nam trong năm 2023 (tăng hơn 46% so với năm trước đó).
Theo Viện Phát triển giáo dục Hàn Quốc (KEDI), trong vòng 12 tháng tính đến tháng 4.2023 Việt Nam có 43.361 người du học Hàn Quốc (các năm gần đây dao động trong khoảng 35.000-38.000 người). Năm 2023, cơ quan giáo dục Đài Loan (Trung Quốc) ghi nhận 27.491 người Việt đến học (tăng 3.763 người so với 2022).
Được biết, hiện cả nước có 3.423 tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, trong đó hai địa phương tiếp tục dẫn đầu về số lượng tổ chức tư vấn du học gồm Hà Nội với 1.304 tổ chức và TP.HCM với 513 tổ chức.
Tiếp theo đó là các địa phương như: Nghệ An, Đà Nẵng, Hải Phòng, Hải Dương và Hà Tĩnh…
* NGUỒN THAM KHẢO
Bài viết: 1.361 học sinh Việt Nam du học nước ngoài trong 9 tháng ?
Báo: anninhthudo
Ngày:05/10/2024
Link đến bài gốc: 1.361 học sinh Việt Nam du học nước ngoài trong 9 tháng | Báo điện tử An ninh Thủ đô (anninhthudo.vn)
* CƠ HỘI VIỆC LÀM
Nhà tuyển dụng: Công Ty TNHH Vietseiko
Ngày 3.10, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM tổ chức tọa đàm về tạo nguồn lao động, thúc đẩy hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, cho biết TP.HCM là trung tâm kinh tế lớn của cả nước, thu hút lượng lớn lao động từ các tỉnh, thành đến sinh sống và làm việc. Lực lượng lao động của thành phố hiện nay đạt 4,8 triệu người, chiếm hơn nửa dân số.
Từ năm 2013 đến tháng 9.2024, TP.HCM có gần 82.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài, chủ yếu là lao động chưa qua đào tạo.
Trong đó, có 13.453 lao động có hộ khẩu thành phố (chiếm 16,45%). Theo đó, người lao động đi làm việc nhiều nhất ở Nhật Bản với tổng số 52.114 người (63,71%), tiếp theo là Đài Loan với 16.538 người (20,22%) và Hàn Quốc với 3.757 người (4,59%). Các thị trường khác như Malaysia, Philippines cũng thu hút 9.445 lao động (11,48%).
Người lao động Việt Nam hiện nay mong muốn làm việc ở nước ngoài không chỉ để xóa đói giảm nghèo
ẢNH: T.N
Tại Nhật Bản và Hàn Quốc, lao động chủ yếu làm việc trong các ngành sản xuất chế tạo (dệt may, chế biến thực phẩm, thủy sản, lắp ráp điện tử, cơ khí), xây dựng, nông nghiệp và thuyền viên. Ở Đài Loan, người lao động chủ yếu làm giúp việc nhà, khán hộ công và thuyền viên.
Ngoài những khó khăn trong công tác quản lý, tại hội nghị cũng nêu lên vấn đề người lao động thiếu thông tin chính xác về cơ hội việc làm, dẫn đến việc lựa chọn sai lầm hoặc bị lừa đảo.
Sở LĐ-TB-XH TP.HCM cho biết, hiện có 3 cách để người lao động đi làm việc ở nước ngoài:
- Thứ nhất, thông qua 5 chương trình của Trung tâm lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐ-TB-XH, bao gồm: chương trình EPS (cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc), chương trình thực tập kỹ thuật tại Nhật Bản, chương trình tuyển chọn điều dưỡng, hộ lý đi Nhật Bản, chương trình đưa lao động đi học tập và làm việc tại Đức trong ngành điều dưỡng, và chương trình đi làm việc tại Đài Loan. Thông tin về các chương trình này có thể tham khảo trên trang web của Trung tâm lao động ngoài nước (http://colab.gov.vn/).
- Thứ hai, thông qua các doanh nghiệp có giấy phép đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hiện TP.HCM có 72 doanh nghiệp được cấp phép, danh sách được đăng tải và cập nhật trên trang web của Sở LĐ-TB-XH (https://sldtbxh.hochiminhcity.gov.vn/).
- Thứ ba, theo hình thức hợp đồng trực tiếp giao kết giữa người lao động và doanh nghiệp nước ngoài.
Tại tọa đàm, các doanh nghiệp đánh giá cao công tác cải cách hành chính của Sở LĐ-TB-XH TP.HCM trong thời gian qua, nhất là trong việc minh bạch, nhanh chóng tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính, giải quyết việc làm cho doanh nghiệp.
Bà Lê Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc Công ty Haio Education, kỳ vọng Sở LĐ-TB-XH TP.HCM có thêm nhiều kết nối cho doanh nghiệp trong lĩnh vực đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Góp ý tại tọa đàm, bà Hạnh cũng cho hay các doanh nghiệp có giấy phép hiện nay gặp khó khăn trong việc tìm nguồn lao động, trong khi các công ty không phép lại chiêu mộ người lao động dễ dàng nhờ mạng lưới tìm nguồn nhanh.
Tuy nhiên, nếu thông qua các công ty này thì chi phí sẽ đội lên, gây thiệt thòi cho người lao động. Bà Hạnh đề nghị các doanh nghiệp cùng tiêu chuẩn nên liên kết để chia sẻ nguồn lực và giảm chi phí. Đồng thời, các công ty nên hướng đến các thị trường cần lao động tay nghề cao để người lao động nhận được mức lương xứng đáng và có nhiều cơ hội hơn.
Bà Phạm Thị Hồng Vân, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ quốc tế Vconnect, cũng đề xuất ngành lao động cần xây dựng cổng thông tin nhân lực để hỗ trợ doanh nghiệp khi cần.
Bà Vân nhấn mạnh rằng người lao động không còn đi nước ngoài chỉ để xóa đói giảm nghèo, mà còn tìm kiếm cơ hội làm giàu và định cư. Do đó, các chương trình đưa lao động ra nước ngoài cần hướng đến những thị trường khó tính như Phần Lan, Đức...
* NGUỒN THAM KHẢO
Bài viết: 3 cách để người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ?
Báo: thanhnien
Ngày:03/10/2024
Link đến bài gốc: https://thanhnien.vn/3-cach-de-nguoi-lao-dong-viet-nam-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-185241003101653762.htm
* CƠ HỘI VIỆC LÀM
Nhà tuyển dụng: Công Ty TNHH Vietseiko
Với xu thế hội nhập quốc tế, du học nghề mở ra nhiều cơ hội cho người trẻ lựa chọn nghề nghiệp, trau dồi kiến thức, ngôn ngữ, trải nghiệm, khám phá các nền văn hóa.
Thêm lựa chọn cho giới trẻ
Hiện nay, nhiều học sinh có xu hướng sau khi tốt nghiệp THPT chọn du học nghề. Mức học phí học nghề ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ không quá cao, từ 300-400 triệu đồng/năm học, tùy từng quốc gia; thời gian đào tạo từ 1-4 năm. Những quốc gia được nhiều bạn trẻ lựa chọn để du học nghề như: Australia, Singapore, Mỹ, Pháp, Canada, Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghiệp (Bắc Giang) tổ chức dạy ngoại ngữ cho học sinh đăng ký du học nghề. |
Nhiều ngành nghề thu hút đông du học sinh như: Kỹ thuật cơ khí, điện tử, vi mạch, đầu bếp, chế biến thực phẩm, làm đẹp, điều dưỡng… Học viên du học nghề tại các nước phát triển có cơ hội học tập, nghiên cứu các chương trình giáo dục nghề nghiệp tiên tiến, được đào tạo chuyên sâu về kỹ năng thực hành, vận hành máy để có thể làm việc trong môi trường đa quốc gia.
Tháng 9/2024, 17 học sinh trên địa bàn huyện Lạng Giang vừa tốt nghiệp THPT năm 2024 đã du học nghề tại các trường: Đại học Kỹ thuật Cần Ích, Đại học Kỹ thuật Cảnh Văn và Học viện Đức Dục của Đài Loan (Trung Quốc) theo hình thức xét tuyển và được miễn học phí 2 năm học đầu tiên, 2 năm học cuối các em tự trang trải học phí. Em Nguyễn Thị Trang, ở xã Nghĩa Hưng (Lạng Giang) cho biết: “Em chọn học chuyên ngành chất bán dẫn tại Trường Đại học Cần ích. Đây là ngành học đang thiếu nhân lực tại Việt Nam, đặc biệt là các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”.
Để giảm chi phí, nhiều em đăng ký học giai đoạn 1 ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong nước và học giai đoạn 2 tại quốc gia liên kết đào tạo với các trường của Việt Nam. Đáp ứng nhu cầu của sinh viên, nhiều cơ sở nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai chương trình liên kết đào tạo với trường nghề của các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Các chương trình hợp tác quốc tế đã tạo cơ hội cho học sinh, sinh viên trường nghề theo học các khóa liên kết đào tạo ngắn hạn và dài hạn tại nước ngoài.
Hiện nay, Trường Cao đẳng công nghệ Việt - Hàn đang liên kết với 10 trường đại học, cao đẳng và hơn 30 doanh nghiệp (DN) nước ngoài thực hiện đào tạo nghề theo tiêu chuẩn khu vực Đông Nam Á, châu Á và quốc tế. Tháng 9/2024, nhà trường phối hợp với Học viện Nghề nghiệp giao thông Sơn Đông (Trung Quốc) triển khai chương trình liên kết đào tạo tại Trung Quốc. Năm học 2024-2025, Trường Cao đẳng công nghệ Việt – Hàn cử 16 sinh viên Khoa Cơ điện tử, thành thạo tiếng Trung Quốc sang học tập 4 tháng tại Học viện Nghề nghiệp giao thông Sơn Đông.
Đây là chương trình hỗ trợ học bổng và giao lưu, trao đổi sinh viên giữa hai nhà trường về một số chuyên đề chuyên sâu liên quan đến lĩnh vực điện, tự động hóa. Mới đây, 20 sinh viên nhà trường vừa hoàn thành khóa đào tạo thực hành nâng cao về điện tử trong 1 năm học tại Trường Đại học Daejin Hàn Quốc.
Nâng chuẩn tay nghề
Toàn tỉnh hiện có khoảng 2,5 nghìn du học sinh theo học nghề ở nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong quá trình du học nghề, các em sẽ có khoảng 30% thời gian học lý thuyết, 70% thời gian học thực hành với trang thiết bị, máy móc hiện đại và tiếp cận với kỹ năng nghề thế giới. Thời gian thực hành, các em được học trực tiếp tại dây chuyền sản xuất của DN và được hỗ trợ kinh phí đủ để chi trả cho ăn uống, sinh hoạt. Chương trình đào tạo nghề ở các quốc gia phát triển đã góp phần nâng chuẩn tay nghề, giúp các em đủ điều kiện làm việc ở thị trường khắt khe, tạo nguồn nhân lực chất lượng mà nhiều DN, tập đoàn lớn đón chờ.
Để được du học nghề, ngoài việc đáp ứng yêu cầu về trình độ, ngoại ngữ, sức khỏe, người học cần có đủ năng lực tài chính để chi trả các khoản học phí, sinh hoạt. Bà Kiều Hưng, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ và Phát triển thương mại Trường Vinh (Hà Nội) cho biết: "Khác với xuất khẩu lao động, du học nghề có những yêu cầu khắt khe hơn về ngoại ngữ, trình độ để người học có khả năng tiếp cận chương trình đào tạo quốc tế. Ví như du học nghề ở Đức, học viên phải có bằng tốt nghiệp THPT và chứng chỉ tiếng Đức tối thiểu đạt trình độ B1”.
Cùng với việc du học nghề tự túc, nhiều em tập trung săn học bổng các trường nghề ở nước ngoài theo hình thức gửi hồ sơ, phỏng vấn trực tuyến. Kinh nghiệm của nhiều du học sinh là trau dồi ngoại ngữ, bồi dưỡng năng khiếu nổi trội về các ngành nghề để giành lợi thế. Mới đây, em Nguyễn Thị Huyền (SN 2005), thị trấn Thắng (Hiệp Hòa) đã du học nghề tại Trường Đào tạo trợ tá nha sĩ Shin Tokyo (Nhật Bản) trong 2 năm. Sau khi tốt nghiệp THPT, Huyền tập trung học tiếng Nhật để giành học bổng du học nghề, giảm bớt chi phí. Trong quá trình học, em được đi thực tập tại một DN sản xuất răng giả, được trả lương đủ để chi trả học phí và một phần sinh hoạt phí hằng ngày.
Để đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của học sinh, hằng năm, các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên triển khai các chương trình tư vấn nghề nghiệp, giới thiệu các chương trình du học nghề. Tháng 4/2024, Trường THPT Thân Nhân Trung (thuộc Trường Đại học Nông – Lâm Bắc Giang) phối hợp với một số trường: Đại học Hiroshima (Nhật Bản) và Đại học Sư phạm Khoa học kỹ thuật Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức “Ngày hội định hướng nghề nghiệp và tư vấn du học” cho học sinh lớp 12. Trường THPT Hiệp Hòa số 1 phối hợp với Công ty Du học Victoria tổ chức tư vấn, cung cấp thông tin cho học sinh và phụ huynh có nhu cầu cho con em đi du học nghề tại một số trường đại học, cao đẳng ở các quốc gia như: Anh, Mỹ, Canada, Singapore, Philippines, Malaysia, Đức.
Theo đại diện lãnh đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, hằng năm, các trường nghề danh tiếng trên thế giới đã dành nhiều suất học bổng cho sinh viên ngoại quốc có thành tích xuất sắc. Tiêu chí đạt học bổng đều được công bố công khai trên trang web của nhà trường. Các trường THPT trên địa bàn tỉnh thường xuyên thông tin về chương trình học bổng du học nghề do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đại sứ quán các nước tại Việt Nam thông báo để học sinh tham khảo, tìm hiểu.
Quá trình tìm hiểu chính sách học bổng của từng trường, các em cần nắm bắt sâu kỹ các thông tin về điều kiện, quy trình xét duyệt và xem xét năng lực bản thân. Các bậc phụ huynh, thầy cô giáo, nhà trường chủ động, tích cực hỗ trợ con em tìm kiếm, cập nhật, mở rộng kiến thức, trải nghiệm thực tế để trang bị thêm kỹ năng, đáp ứng yêu cầu của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên thế giới. Đối với học sinh, sinh viên du học nghề tự túc cần tìm hiểu kỹ thông tin về nhà trường, ngành nghề đào tạo, chủ động học ngoại ngữ để đăng ký dự tuyển bảo đảm khóa học chất lượng, hiệu quả.
* NGUỒN THAM KHẢO
Bài viết: Du học nghề mở ra cơ hội mới ?
Báo:baobacgiang
Ngày:29/09/2024
Link đến bài gốc: Du học nghề mở ra cơ hội mới (baobacgiang.vn)
* CƠ HỘI VIỆC LÀM
Nhà tuyển dụng: Công Ty TNHH Vietseiko
Link việc làm: Danh sách việc làm tại Việt Nam
Thời gian qua, Báo Hànộimới đã có nhiều bài viết cảnh báo tình trạng các công ty không có chức năng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhưng ngang nhiên quảng cáo, thu tiền của người dân.
Dù đây là việc làm trái pháp luật, vẫn có nhiều người nhẹ dạ, cả tin khiến bản thân, gia đình rơi vào cảnh lao đao, nợ nần vì "sập bẫy" lừa đảo.
Người lao động tập trung đòi quyền lợi tại Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Educa Việt Nam ở số 78 phố Duy Tân (quận Cầu Giấy), ngày 22-9.
Ngang nhiên vi phạm
Vụ việc đáng báo động gần đây là trường hợp Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Educa Việt Nam (Công ty Educa) ở số 78 phố Duy Tân (quận Cầu Giấy) thu tiền của hơn 200 người lao động nhưng không thực hiện cam kết là đưa họ đi làm việc tại Hàn Quốc.
Theo đó, hơn 200 lao động đã phải đóng gần 300 triệu đồng để được xuất khẩu lao động, song lại bị công ty thông báo hoãn lịch bay ngay sát giờ vào ngày 22-9, khiến hàng trăm người rơi vào khủng hoảng, bức xúc. Khi kiểm tra, người lao động mới phát hiện công ty này không được Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép hoạt động về lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Tương tự, dù không có giấy phép nhưng Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển nhân lực GHR Global - Công ty GHR Global (địa chỉ tại quận Cầu Giấy) vẫn thu tiền của người lao động. Trong đơn tố cáo gửi đến Báo Hànộimới, chị Đậu Quỳnh Tâm (trú tại xã Quỳnh Giang, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) cho biết, ngày 10-5-2023, chị đã giới thiệu anh Cao Xuân Cường (trú tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh) đăng ký và hoàn thành các thủ tục để được đi làm việc tại Canada do công ty trên tổ chức. Chị Tâm đã chuyển khoản 3 lần, với tổng số tiền 294.100.000 đồng cho công ty này, ghi nhận bằng Phiếu thu có chữ ký, dấu đỏ của Giám đốc Công ty GHR Global Phạm Thị Hồng Giang.
Theo lời hứa của bà Giang, khoảng tháng 8-2023, anh Cường sẽ được bay sang Canada nhưng mãi đến tháng 3-2024 vẫn không có thông tin gì. Sau đó, anh Cường đã yêu cầu rút hồ sơ không đi nữa, bà Giang đồng ý nhưng trì hoãn không trả lại tiền đặt cọc. Đến ngày 21-5-2024, công ty này gửi cho anh Cường mẫu đơn xác nhận rút hồ sơ nhưng đơn vị có tên trong giấy hẹn lại là Công ty cổ phần Techconnects Global ở thành phố Đà Nẵng. Thấy dấu hiệu bất thường, chị Đậu Quỳnh Tâm gọi điện thoại cho bà Phạm Thị Hồng Giang yêu cầu trả lại số tiền đã nộp thì bị chặn điện thoại.
“Sau khi nhờ sự giúp đỡ của cơ quan có thẩm quyền, tôi mới hẹn gặp được bà Giang vào ngày 30-8-2024 tại phố Mễ Trì Thượng (quận Nam Từ Liêm). Tuy nhiên, bà Giang đã đổ lỗi cho Công ty cổ phần Techconnects Global; đồng thời cho biết Công ty GHR Global cũng là nạn nhân và khi nào đòi được tiền thì mới trả lại cho tôi. Thái độ vô trách nhiệm của bà Giang khiến tôi vướng vào nợ nần vì đã sử dụng số tiền gần 300 triệu đồng của anh Cường để nộp cho công ty này", chị Tâm bức xúc nói.
Hồi chuông cảnh tỉnh
Về sự việc Công ty Educa "mang con bỏ chợ" khiến hơn 200 lao động "bơ vơ", ngày 24-9-2024, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã ban hành Công văn số 1335/CQLLĐNN-TTr gửi các cơ quan chức năng đề nghị phối hợp kiểm tra, xác minh và xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.
Công văn khẳng định Công ty Educa không được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cục cũng đánh giá đây là vụ việc lớn, phức tạp, có dấu hiệu vi phạm pháp luật và lừa đảo người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài.
Trả lời phóng viên Báo Hànộimới, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Nguyễn Tây Nam cho biết, hiện Sở đang kiểm tra thông tin liên quan đến sự việc trên và sẽ trả lời sớm khi có kết luận.
Đối với trường hợp liên quan đến chị Đậu Quỳnh Tâm, trong danh sách 494 doanh nghiệp được phép đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trên website dolab.gov.vn của Cục Quản lý lao động ngoài nước, không có tên Công ty GHR Global. Như vậy, việc thu tiền của người lao động để đưa đi làm việc tại Canada của đơn vị này là hành vi trái pháp luật.
Phóng viên Báo Hànộimới đã cố gắng liên hệ bằng điện thoại, tin nhắn với bà Phạm Thị Hồng Giang, Giám đốc công ty nhưng không nhận được hồi âm. Được biết, chị Đậu Quỳnh Tâm hiện đã tố cáo hành vi chiếm đoạt tài sản của bà Giang tới cơ quan Công an quận Bắc Từ Liêm.
Theo quy định tại Điều 7 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có hiệu lực vào ngày 1-1-2022, trong số những hành vi bị nghiêm cấm có hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng mà không có giấy phép; thu tiền môi giới của người lao động… Cá nhân vi phạm có thể bị xem xét, xử lý về hành vi “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015. Tuy nhiên, trên thực tế, dù có rất nhiều cảnh báo từ các cơ quan chức năng về hành vi lừa đảo nêu trên nhưng vẫn có hàng trăm, thậm chí hàng nghìn người lao động tiếp tục mất tiền cho những công ty "lừa" để rồi phải gánh chịu hậu quả nặng nề. Đây là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai đang có kế hoạch đi làm việc ở nước ngoài cần cẩn trọng, tỉnh táo để tránh mất tiền oan.
* NGUỒN THAM KHẢO
Bài viết: Cảnh báo nhiều, vẫn... "sập bẫy" (!?)
Báo:hanoimoi
Ngày:29/09/2024
Link đến bài gốc: Cảnh báo nhiều, vẫn... "sập bẫy" (!?) (hanoimoi.vn)
* CƠ HỘI VIỆC LÀM
Nhà tuyển dụng: Công Ty TNHH Vietseiko
Link việc làm: Danh sách việc làm tại Việt Nam
Tỉnh Quảng Trị là địa phương ở miền trung được các bộ, ngành Trung ương đánh giá luôn đi đầu trong công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (đi làm việc). Nguồn thu nhập từ các lao động gửi về trở thành đòn bẩy không chỉ thúc đẩy kinh tế của gia đình, còn góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của địa phương cùng phát triển thông qua giải quyết việc làm tại chỗ đến từ công việc xây dựng nhà cửa, đường giao thông, kinh doanh buôn bán hải sản, chế biến sản phẩm nông ngư nghiệp xuất khẩu.
Anh Bùi Trường An ở thôn 4, xã Gio Hải, huyện Gio Linh đi làm việc tại Hàn Quốc được hai năm nay. Hôm chúng tôi gặp anh trong thời gian anh về nước nghỉ phép.
Ở Hàn Quốc anh An làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian công việc mỗi ngày chỉ từ 4 đến 8 giờ đồng hồ, phù hợp với năng lực và sở trường nên rất thuận lợi, thu nhập hằng tháng khá cao, ngoài tiền chi phí sinh hoạt, anh dành dụm được khoản ổn định hằng tháng để gửi về nhà làm vốn.
Trước đó, anh An có 4 năm làm việc ở Đài Loan (Trung Quốc). Anh An có em gái cũng đang đi làm việc ở Nhật Bản, chuyên nghề trồng trọt. Chị Trần Thị Thanh Tâm, công chức văn hóa- xã hội của xã Gio Hải, huyện Gio Linh cho biết, trên địa bàn xã Gio Hải có gần 600 lao động đi làm việc nước ngoài, tập trung các thị trường Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Đài Loan (Trung Quốc).
Anh Bùi Trường An (bên trái) ở huyện Gio Linh làm việc tại Hàn Quốc được hai năm nay. |
Anh Phan Văn Chính ở Khu phố 2, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh cùng ba người anh em trong gia đình của mình đi làm việc ở nước ngoài. Anh Chính làm việc trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo ở Hàn Quốc. Sau khi hoàn thành hợp đồng 5 năm, trở về với gia đình được gần 2 năm, anh tiếp tục đi làm việc đợt thứ hai tại Hàn Quốc có thời gian 5 năm.
Lần này, anh Chính tiếp tục được làm việc trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo. Công việc khá vất vả nhưng thu nhập cao, trừ các khoản ăn uống chi tiêu, mỗi tháng anh gửi về cho gia đình khoảng 40 triệu đồng để dành dụm làm vốn. Ba người anh em còn lại của anh Chính cũng có việc làm ổn định ở nước ngoài với thu nhập nhiều người mơ ước.
Thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh đang có hơn 600 lao động làm việc nước ngoài, chưa kể số hoàn thành hợp đồng trở về địa phương tổ chức sản xuất kinh doanh hiệu quả từ đồng vốn tích góp được. Hiện có nhiều lao động của thị trấn Cửa Việt qua thị trường Đức làm việc. Với mức thu nhập cao hơn hẳn so với các thị trường khác, nước Đức luôn nằm trong danh sách đất nước mà lao động tỉnh Quảng Trị hướng đến.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Gio Linh Dương Đức Hạnh cho biết, huyện Gio Linh là điểm sáng của tỉnh Quảng Trị trong việc thực hiện đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Huyện luôn xác định công tác này là con đường giải quyết việc làm, tăng thu nhập, góp phần nâng cao đời sống cho người lao động một cách hiệu quả nhất trong hoàn cảnh, điều kiện của địa phương. Đồng thời, giúp người lao động có cơ hội học tập, tiếp thu kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật, công nghệ tiên tiến và tác phong làm việc chuyên nghiệp. Khi họ hoàn thành hợp đồng, trở về sẽ bổ sung, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho huyện và tỉnh.
Thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện ủy Gio Linh tiếp tục chú trọng nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chi bộ, đảng viên, người lao động về vai trò, tầm quan trọng của công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Xác định trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện công tác này gắn với định hướng, chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Phát huy tốt vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là đoàn thanh niên, phụ nữ, nông dân...trong việc vận động, tạo điều kiện tốt nhất cho những người có nhu cầu đi lao động nước ngoài đáp ứng đầy đủ các điều kiện được pháp luật quy định. Tổ chức điều tra, rà soát, cập nhật thông tin biến động cung, cầu lao động trên địa bàn; tìm hiểu nhu cầu, nguyện vọng của người lao động, tuyên truyền, giải thích các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với đi làm việc ở nước ngoài để người lao động sớm nắm bắt, thực hiện.
Người lao động Quảng Trị trước khi bay đi nước ngoài làm việc. |
Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị Lê Nguyên Hồng cho biết, tỉnh luôn làm tốt công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Tỉnh Quảng Trị đã hiện thực hóa có hiệu quả Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới”.
Chỉ riêng năm 2023, tỉnh có hơn 2.800 người đi làm việc ở nước ngoài, cao hơn năm 2022 hơn 500 người. Từ đầu năm 2024 đến nay, có hơn 2.500 lao động làm việc ở nước ngoài. Người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua các doanh nghiệp có hoạt động dịch vụ, chủ yếu đến thị trường lao động các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Trung Quốc, Singapore, Hungary...; tập trung vào các lĩnh vực như sản xuất-chế tạo, chăm sóc sức khỏe, nông nghiệp, xây dựng.
Cùng với nâng cao số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tỉnh Quảng Trị luôn chú trọng nâng cao chất lượng của nguồn nhân lực này nhằm trang bị đầy đủ cho người lao động các kỹ năng nghề cần thiết để tham gia thị trường lao động ngày càng hiện đại.
Chỉ riêng năm 2023, tỉnh Quảng Trị có hơn 2.800 người đi làm việc ở nước ngoài, cao hơn năm 2022 hơn 500 người. Từ đầu năm 2024 đến nay, có hơn 2.500 lao động làm việc ở nước ngoài.
Hằng năm, có hàng nghìn người được tham gia các lớp tập huấn, nâng cao kỹ năng nghề, định hướng học nghề. Chính vì vậy, tỷ lệ lao động qua đào tạo hằng năm ở tỉnh đều tăng. Năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt gần 73%.
Theo Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Nguyên Hồng, người lao động Quảng Trị khi đi làm việc ở nước ngoài được đánh giá là có năng lực làm việc, kỹ năng nghề, ý thức tổ chức kỷ luật tốt; luôn có ý chí tự rèn luyện nâng cao tay nghề, giúp bản thân dễ tìm kiếm cơ hội việc làm, có được thu nhập tốt hơn. Các đơn vị đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng luôn chú trọng tư vấn, định hướng cho người lao động lựa chọn, đăng ký vào các thị trường lao động bảo đảm an toàn, đúng pháp luật, công việc phù hợp và có mức lương ổn định.
Tỉnh luôn xác định công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố quan trọng hàng đầu, bảo đảm người lao động đi làm việc nước ngoài an toàn và hiệu quả. Lao động được đào tạo tốt, ở mọi cấp độ đều ít bị tổn thương hơn khi hòa nhập môi trường làm mới. Để nâng cao chất lượng nguồn lao động, cần tăng cường công tác tạo nguồn.
Lãnh đạo chính quyền địa phương ở huyện Gio Linh ( bên trái) động viên, thăm hỏi các gia đình có con em đi làm việc ở nước ngoài. |
Để làm tốt hơn nữa công tác này, các doanh nghiệp cần tuân thủ các tiêu chuẩn trong tuyển chọn, phát triển mô hình phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp dịch vụ và chính quyền địa phương để tìm ra những lao động có nhận thức tốt và thực sự có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài. Tuyên truyền để người lao động có đủ thông tin, chủ động trang bị cho mình các điều kiện khi muốn đi làm việc ở nước ngoài, đặc biệt là về kiến thức pháp luật, tay nghề, ngoại ngữ để người lao động tìm được việc làm phù hợp, có thu nhập tốt và có ý thức góp phần lan tỏa hình ảnh đất nước Việt Nam đến với thế giới.
* NGUỒN THAM KHẢO
Bài viết: Điểm sáng đưa người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng ?
Báo:nhandan
Ngày:29/09/2024
Link đến bài gốc: Điểm sáng đưa người lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng (nhandan.vn)
* CƠ HỘI VIỆC LÀM
Nhà tuyển dụng: Công Ty TNHH Vietseiko
Link việc làm: Danh sách việc làm tại Việt Nam
GD&TĐ - Phân Viện Phát triển nguồn nhân lực Việt Nam – Nhật Bản, Trường ĐH Ngoại thương đón tiếp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Komura Masahiro.
PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, Viện trưởng Viện VJCC - Trường ĐH Ngoại thương đã gửi lời chào mừng nồng nhiệt đến ngài Thứ trưởng và đoàn công tác, đồng thời giới thiệu về quá trình hình thành, xây dựng Viện VJCC với những thành quả mà Dự án VJCC đã đạt được kể từ năm 2002 đến nay.
Trong đó, đặc trưng nổi trội của Dự án VJCC là góp phần phát triển nguồn nhân lực quản lý cho hơn 1000 doanh nghiệp Việt Nam trong nhiều lĩnh vực sản xuất, chế tạo, thương mại dịch vụ… thông qua các chương trình đào tạo như Keieijuku, CEO… kết hợp với các hoạt động tư vấn, kết nối kinh doanh, gắn kết cộng đồng doanh nghiệp hai quốc gia.
Bên cạnh việc phát triển nhân lực cho các doanh nghiệp, từ năm 2017, VJCC được Trường đại học Ngoại Thương nâng cấp thành Viện VJCC và giao nhiệm vụ triển khai các chương trình đào tạo Cử nhân chất lượng cao chuyên ngành Kinh doanh Quốc tế theo mô hình tiên tiến Nhật Bản (JIB) từ năm học 2017-2018 và chuyên ngành Kinh doanh số (DB) từ năm học 2022-2023.
PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, Viện trưởng Viện VJCC giới thiệu về các hoạt động của Phân Viện
Mỗi năm, hai chương trình thu hút khoảng 120 sinh viên đầu vào thuộc TOP 5% cao nhất cả nước theo học, nâng quy mô đào tạo cử nhân của Viện VJCC lên 400 sinh viên/năm. Các CTĐT đều được xây dựng trên cơ sở phát huy các thế mạnh của VJCC trong đào tạo đề cao tính thực tiễn, tri thức hiện đại và khai thác tối đa mạng lưới kết nối với các cơ quan tổ chức Nhật Bản như JICA, JETRO, JCCI … và các trường ĐH Rikkyo, ĐH Công nghệ Chiba, ĐH Waseda, ĐH Nagano v.v.
Lắng nghe những chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Thị Hiền, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Komura Masahiro cho biết một số thông tin của chuyến công tác, đồng thời bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến Chương trình Kinh doanh cao cấp - Keieijuku tại Viện VJCC, về thời gian và nội dung học cũng như những kỳ vọng về giá trị mà chương trình mang đến cho các lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam.
Ngài Komura Masahiro nhận định, Việt Nam là một dân tộc chăm chỉ và người Việt có nhiều nét tương đồng với người Nhật, nhất là trong triết lý sống, triết lý dân tộc. Vì vậy mà các doanh nghiệp hai nước cũng rất dễ dàng thấu hiểu triết lý kinh doanh và tiến tới hợp tác dài lâu.
Thứ trưởng Komura Masahiro dự giờ lớp học Keieijuku khóa 20.
Tại buổi làm việc, ngài Komura Masahiro cũng lắng nghe các ý kiến của doanh nhân Keieijuku, ông bày tỏ sự cảm kích và kỳ vọng cộng đồng doanh nhân Keieijuku Việt Nam sẽ ngày càng mở rộng kết nối, góp sức đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản và Tổng lãnh sự quán Nhật Bản tại TP.HCM đã dự giờ chuyên đề “Chiến lược quản trị - học phần thực hành” do chuyên gia-TS Kawaguchi Shinichiro giảng dạy cho lớp Keieijuku khóa 20 TpHCM. Không khí học tập sôi nổi với phần làm việc nhóm và thuyết trình đã cho thấy mô hình học tập dành cho doanh nhân của Dự án VJCC đã và đang được cộng đồng và xã hội rất đón nhận.
* NGUỒN THAM KHẢO
Bài viết: Tăng cường hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao Việt Nam - Nhật Bản ?
Báo: giaoducthoidai
Ngày:24/09/2024
Link đến bài gốc: Tăng cường hợp tác đào tạo nhân lực chất lượng cao Việt Nam - Nhật Bản | Báo Giáo dục và Thời đại Online (giaoducthoidai.vn)
* CƠ HỘI VIỆC LÀM
Nhà tuyển dụng: Công Ty TNHH Vietseiko
Link việc làm: Danh sách việc làm tại Việt Nam
Các nghiên cứu mới đây tại Hàn Quốc cho rằng các thế hệ lao động nhập cư đầu tiên đến quốc gia này hiện đang bước vào giai đoạn cần được chăm sóc sức khỏe, trong đó có lao động Việt Nam
Hệ thống BHYT tại Hàn Quốc không phân biệt đối xử với người nhập cư và không hạn chế khả năng hội đủ điều kiện để được chăm sóc sức khỏe. Do đó, người xuất khẩu lao động (XKLĐ) từ Việt Nam sẽ không áp dụng phí bảo hiểm cao đối với người nhập cư theo chính sách bảo hiểm địa phương. Tuy nhiên, người XKLĐ vẫn thường phải đối mặt với những thách thức trong việc trở thành người được hưởng quyền về sức khỏe dựa trên các tiêu chí để được chấp nhận là một phần của cộng đồng tại Hàn Quốc.
Về nguyên tắc pháp quyền tại Hàn Quốc, quyền được sống hạnh phúc không yêu cầu nhà nước phải chịu trách nhiệm về sức khỏe của cá nhân. Tuy nhiên, điều đó cần có sự hỗ trợ của xã hội trong việc giúp đỡ các cá nhân có một cuộc sống đề cao phẩm giá con người. Sự hỗ trợ này nên có sẵn khi các cá nhân có sức khỏe không tốt, giúp họ có thể phục hồi sức khỏe.
Do đó, việc công khai chăm sóc sức khỏe không chỉ giải quyết các nhu cầu cụ thể của một số nhóm nhất định mà còn được công nhận là mối quan tâm chung của tất cả người dân địa phương, bao gồm cả người bản địa và người XKLĐ và phải được đưa vào chương trình nghị sự công cộng.
Lao động Việt Nam tại Hàn Quốc tham gia một khóa huấn luyện hội nhập. Ảnh: GIANG NAM
Quyền về sức khỏe của người nhập cư đến Hàn Quốc đang được chú trọng. Người Việt Nam khi đến quốc gia này làm việc sẽ được hỗ trợ bởi BHYT và các quyền lợi khác về sức khỏe. Đặc biệt, quyền về sức khỏe của người lao động Việt Nam nhập cư không đăng ký thường trú và con cái của họ thường xuyên được đề cập như một vấn đề cần được chính phủ Hàn Quốc cân nhắc kỹ hơn. Điều này cho thấy các chủ đề sâu sắc hơn sẽ được chính phủ Hàn Quốc quan tâm trong thời gian tới để bảo vệ quyền lợi của người nước ngoài đến nước này làm việc.
Những người nhập cư bị mất việc làm trong đại dịch COVID-19 thường không đủ khả năng mua bảo hiểm với tư cách là những cá nhân được bảo hiểm tại địa phương, khiến họ không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc và BHYT. Do đó, COVID-19 được coi là một cuộc khủng hoảng sức khỏe làm tăng thêm tính dễ bị tổn thương của người XKLĐ trong cả hoàn cảnh sinh học và xã hội.
Người đi XKLĐ là một trong số những nhóm dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là về vấn đề sức khỏe bởi cơ chế BHYT tại Hàn Quốc thường áp dụng cho công dân địa phương. Do đó, điều quan trọng là phải tiến hành các cuộc điều tra riêng biệt để có các chính sách hỗ trợ kịp thời.
Trong các văn bản hợp tác song phương giữa Hàn Quốc và Việt Nam về bảo đảm sức khỏe cho người XKLĐ đã có những biểu hiện hy vọng về những cải tiến trong tương lai của hệ thống, bao gồm các biện pháp hỗ trợ để bảo đảm quyền sức khỏe của người nhập cư.
* NGUỒN THAM KHẢO
Bài viết: Nâng bước người lao động: Quyền về sức khỏe của lao động xuất khẩu ?
Báo: nld
Ngày:24/09/2024
Link đến bài gốc: Nâng bước người lao động: Quyền về sức khỏe của lao động xuất khẩu (nld.com.vn)
* CƠ HỘI VIỆC LÀM
Nhà tuyển dụng: Công Ty TNHH Vietseiko
Link việc làm: Danh sách việc làm tại Việt Nam
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, Chính phủ Nhật Bản dự kiến sẽ điều chỉnh các quy định về thời gian lao động nhằm tạo điều kiện cho người lao động tham gia công việc phụ dễ dàng hơn, khuyến khích phong cách làm việc tự do hơn, đồng thời cũng tháo gỡ những khó khăn về mặt pháp lý của doanh nghiệp tiếp nhận nhân viên làm thêm.
Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản dự kiến sẽ công bố báo cáo vào cuối năm nay, trong đó đề xuất bãi bỏ hệ thống quản lý tổng thời gian làm việc. Động thái này sẽ giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc cho phép nhân viên làm thêm ở một cơ sở khác, qua đó có thể giúp giảm bớt tình trạng thiếu hụt lao động. Tuy nhiên, cơ chế quản lý tổng thời gian làm việc hàng tháng nhằm đảm bảo sức khỏe cho nhân viên vẫn sẽ được duy trì, tức là thời gian làm thêm không quá 4 giờ/ngày.
Mặc dù cơ chế hiện hành có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng những người lao động làm thêm ở một công ty phụ vẫn chưa thực sự phổ biến tại Nhật Bản. Theo một cuộc khảo sát năm 2023 của Viện Nghiên cứu Tổng hợp Persol (Tokyo), mặc dù có 60,9% doanh nghiệp cho phép nhân viên làm thêm ở một công ty phụ nhưng chỉ có 24,4% doanh nghiệp có nhân viên tham gia thực sự. Mặt khác, có 40,8% nhân viên có mong muốn được làm thêm để cải thiện thu nhập nhưng chỉ 7% thực sự đang làm công việc phụ.
Hiện nay, có hai hình thức làm thêm phổ biến đối với người lao động tại Nhật Bản là “làm thuê” và “ủy thác công việc”. Hình thức làm thuê bao gồm các hợp đồng ngắn hạn hoặc làm việc bán thời gian với một công ty thứ hai, còn hình thức ủy thác công việc được xem là lao động tự do như giao hàng, chuyển phát nhanh.
Theo Luật Tiêu chuẩn Lao động Nhật Bản, thời gian làm việc tại nhiều nơi của một nhân viên phải được cộng dồn để đảm bảo quyền lợi. Nếu tổng thời gian làm việc vượt quá 8 giờ/ngày hoặc 40 giờ/tuần, công ty phải trả lương làm thêm giờ. Việc bãi bỏ quy định quản lý tổng thời gian làm việc sẽ chủ yếu áp dụng đối với nhân viên làm thêm theo hình thức làm thuê. Ví dụ, ngoài thời gian 8 giờ làm việc theo quy định tại công ty A, người lao động làm thêm 2 giờ tại công ty A sẽ do công ty A chi trả còn thời gian làm việc 2 giờ tại công ty B sẽ do công ty B chi trả.
Hiện tại, việc quản lý thời gian làm việc của người lao động, bao gồm cả công việc chính và phụ, thường dựa vào báo cáo từ phía người lao động, dẫn đến khó khăn trong việc theo dõi thực tế. Các doanh nghiệp cũng phải tính toán lương làm thêm giờ hàng ngày và hàng tuần để làm cơ sở phân chia phần lương giữa các nơi làm việc. Chủ tịch LINE Yahoo, ông Kentaro Kawabe trong một cuộc họp thuộc Hội đồng Thúc đẩy cải cách quy định lao động, đã nêu lên thực trạng rằng việc quản lý thời gian làm việc dự kiến và thực tế của nhân viên làm thêm đang gia tăng gánh nặng cho các công ty.
Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản cũng xem xét lại quy định về “nghĩa vụ tránh cạnh tranh”, hiện đang cấm nhân viên tiết lộ bí mật của công ty chính cho công ty phụ. Hướng dẫn hiện hành yêu cầu các doanh nghiệp phải cảnh báo nhân viên về phạm vi cạnh tranh bị cấm và nhắc nhở họ không được gây thiệt hại cho lợi ích của công ty chính. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho rằng phạm vi của quy định này còn mơ hồ, khiến người lao động khó tiếp cận với các công việc tại công ty phụ. Quy định mới về “nghĩa vụ tránh cạnh tranh” sẽ xem xét cụ thể hóa bằng các hướng dẫn liên quan, ví dụ như cấm tải danh sách khách hàng hoặc cho phép người lao động làm thêm trong trường hợp người này được xác nhận là khó có thể tiếp cận bí mật kinh doanh của công ty chính.
Sau khi báo cáo được công bố, Hội đồng Chính sách Lao động, cơ quan tư vấn của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi sẽ hoàn thiện chi tiết hệ thống này. Việc điều chỉnh có thể được thực hiện thông qua thay đổi cách diễn giải của Luật Tiêu chuẩn Lao động hoặc thông qua việc sửa đổi luật và thời điểm áp dụng có thể bắt đầu từ đầu năm 2026.
* NGUỒN THAM KHẢO
Bài viết: Nhật Bản cân nhắc điều chỉnh quy định quản lý giờ làm việc của người lao động ?
Báo:baodautu
Ngày:20/09/2024
Link đến bài gốc: Nhật Bản cân nhắc điều chỉnh quy định quản lý giờ làm việc của người lao động | baotintuc.vn
* CƠ HỘI VIỆC LÀM
Nhà tuyển dụng: Công Ty TNHH Vietseiko
Link việc làm: Danh sách việc làm tại Việt Nam
Nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục đặt kỳ vọng vào thị trường Việt Nam khi đẩy mạnh các thương vụ hợp tác chiến lược và đầu tư mới. Giữa tháng 8/2024, Mitsui & Co, Ltd. (Mitsui) và Tasco công bố hoàn tất thỏa thuận để Mitsui trở thành cổ đông chiến lược của Tasco Auto - đơn vị thành viên của Tasco và đồng hành cùng Tasco Auto triển khai nhiều kế hoạch, chiến lược phát triển trong thời gian tới. Khoản đầu tư được giải ngân thành các đợt và đợt đầu tiên đã hoàn thành ngày 31/7/2024.
Đầu tháng 8/2024, Tập đoàn Marubeni thông qua công ty con Marubeni Growth Capital Asia Pte. Ltd. (MGCA) đã mua thêm cổ phần của Công ty cổ phần Nguyên liệu Á Châu AIG (AIG). Đây là bước tiếp theo sau thương vụ MGCA mua cổ phần thiểu số của AIG được công bố vào tháng 11/2023.
AEON Entertainment, công ty con thuộc Tập đoàn AEON Nhật Bản, đã thành lập liên doanh với Beta Media để đầu tư 50 cụm rạp chiếu phim mới đến năm 2035, với chi phí đầu tư vài chục tỷ yên (tương đương 200 triệu USD). Kế hoạch mở rộng của AEON Entertainment cũng phù hợp với chiến lược xác định Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ hai bên cạnh Nhật Bản để đẩy mạnh đầu tư của AEON.
Tương tự, Sojitz đã phát triển hoạt động kinh doanh đa dạng trải dài từ bán lẻ, bán buôn và phân phối đến chế biến thực phẩm tại Việt Nam. Sojitz cũng có kế hoạch đầu tư vào chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng, đồng thời tạo ra hoạt động kinh doanh mới tại Việt Nam. Để thực hiện mục tiêu này, Sojitz đã rót vốn vào công ty fintech Việt Nam Finviet tháng 4/2024 sau khi mua lại toàn bộ quyền sở hữu của Công ty cổ phần Đại Tân Việt.
Ông Masataka “Sam” Yoshida, Giám đốc toàn cầu dịch vụ M&A xuyên quốc gia của RECOF Corporation chia sẻ, trong nhiều trường hợp, các mục tiêu chiến lược như chiếm vị trí thống lĩnh trên thị trường Việt Nam không thể đạt được chỉ qua một thương vụ. Sau khi thực hiện các khoản đầu tư ban đầu, các công ty Nhật Bản bắt đầu tìm kiếm cơ hội tiếp theo như kênh phân phối sau khi đầu tư vào sản xuất, dịch vụ bảo trì sau khi đầu tư vào bán hàng hoặc thị trường phía Bắc sau khi gia nhập thị trường phía Nam.
“Chúng tôi đã chứng kiến dòng vốn đầu tư liên tục của các nhà đầu tư chiến lược Nhật Bản nhằm mua lại các công ty Việt Nam đã có vị thế vững chắc trong các lĩnh vực như bán lẻ, phân phối bán buôn và đóng gói”, ông Yoshida nói.
Theo ông Yoshida, các công ty Nhật Bản hoạt động tích cực hơn trong các lĩnh vực như sản xuất, hậu cần và phân phối. Nhiều tập đoàn Nhật Bản bắt đầu ưu tiên Việt Nam như một trung tâm cung ứng trong khu vực, thay vì Trung Quốc hoặc Thái Lan. Một số công ty cũng đang nỗ lực thâm nhập hoặc mở rộng vào thị trường Việt Nam trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu đang gia tăng.
Một khảo sát được Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) công bố vào tháng 5/2024 cho thấy, Việt Nam ghi nhận tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản cao thứ hai (24,9%) có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh ở nước ngoài, sau Hoa Kỳ. Về các tập đoàn lớn có kế hoạch mở rộng ra nước ngoài, Việt Nam đứng thứ hai (28,6%), sau Ấn Độ (29,5%). Khoảng 24,1% doanh nghiệp nhỏ và vừa của Nhật Bản có kế hoạch mở rộng sang Việt Nam.
Ông Matsumoto Nobuyuki, Trưởng đại diện Jetro tại TP.HCM chia sẻ, trong khi Trung Quốc đứng đầu cuộc khảo sát của Jetro năm 2020 về tỷ lệ doanh nghiệp Nhật Bản có kế hoạch mở rộng hoạt động kinh doanh, thì Covid-19 là cơ hội để các công ty nhận thấy nhu cầu đa dạng hóa chuỗi cung ứng, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Sau khi cân nhắc các thị trường tại ASEAN, nhiều công ty đã lựa chọn Việt Nam, biến nơi đây thành điểm đến được ưa chuộng thứ hai sau Hoa Kỳ kể từ cuộc khảo sát năm 2021.
Tám tháng đầu năm, nhà đầu tư Nhật Bản rót 2,5 tỷ USD vào Việt Nam, tăng 90,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đầu tư mới phần lớn là các dự án nhà máy điện khí LNG, cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của nhà đầu tư Nhật Bản với lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Đầu tư mở rộng cũng tăng trưởng chứng minh nhu cầu mở rộng của nhà đầu tư Nhật ngày càng tăng.
* NGUỒN THAM KHẢO
Bài viết: Nhà đầu tư Nhật Bản đẩy mạnh các thương vụ hợp tác chiến lược tại Việt Nam ?
Báo:baodautu
Ngày:18/09/2024
Link đến bài gốc: Nhà đầu tư Nhật Bản đẩy mạnh các thương vụ hợp tác chiến lược tại Việt Nam (baodautu.vn)
* CƠ HỘI VIỆC LÀM
Nhà tuyển dụng: Công Ty TNHH Vietseiko
Link việc làm: Danh sách việc làm tại Việt Nam
Thông điệp Đồng hành chuyển đổi AI - "Enable Your AI-X" nhấn mạnh cam kết của CMC trong việc thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để gia tăng giá trị và xây dựng nền kinh tế số. Cam kết này không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp Nhật Bản, mà còn mở rộng việc cải thiện năng lực nhận thức và quy trình liên quan đến AI trong mọi lĩnh vực.
Chia sẻ về Chiến lược Chuyển đổi AI, ông Nguyễn Trung Chính - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Công nghệ CMC, cho biết: "Nhật Bản không chỉ đóng vai trò quan trọng trong chiến lược vươn ra toàn cầu của CMC mà còn là thị trường then chốt của chúng tôi trong suốt hơn 3 thập kỷ qua.Thành công tại Nhật Bản đã trở thành nền tảng giúp CMC tự tin mở rộng ra các thị trường đầy thách thức khác như Mỹ, châu Âu và toàn cầu. Việc khai trương văn phòng thứ 3 tại Nhật Bản không chỉ là bước tiến quan trọng trong chiến lược phát triển của CMC, mà còn khẳng định cam kết của chúng tôi trong việc đẩy mạnh chuyển đổi AI, cung cấp các giải pháp công nghệ tiên tiến nhất, nhằm hỗ trợ khách hàng trong hành trình chuyển đổi số và tối ưu hóa giá trị từ công nghệ AI”.
Ông Nguyễn Đức Minh - Đại biện lâm thời Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, cho rằng việc CMC thúc đẩy chiến lược AI tại thị trường Nhật Bản không chỉ đánh dấu cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của Tập đoàn CMC và CMC Japan mà còn đóng vai trò quan trọng cho công cuộc mang công nghệ Việt Nam vươn ra thế giới, là biểu tượng cho quan hệ hợp tác ngày càng mở rộng giữa Việt Nam với Nhật Bản. Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Nhật Bản đang phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, trong đó hợp tác kinh tế, kinh doanh trên nền tảng khoa học công nghệ là một trụ cột quan trọng.
Ông Nguyễn Đức Minh bày tỏ mong muốn và kêu gọi các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục hợp tác với CMC và các doanh nghiệp Việt Nam khác để cùng nhau đạt được thành công. Đại sứ quán Việt Nam cam kết luôn đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình mở rộng hợp tác, tìm kiếm cơ hội, mở rộng thị trường.
Nhân dịp này, CMC Japan cũng thông báo đã gia nhập Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản (Keidanren) - một trong những tổ chức vận động hành lang có ảnh hưởng lớn nhất về kinh tế đối ngoại và chính sách phát triển kinh tế Nhật Bản. Động thái này mở ra cơ hội hợp tác chiến lược với các tập đoàn hàng đầu và khẳng định cam kết đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội tại Nhật Bản thông qua các giải pháp AI tiên tiến. Cùng với việc gia nhập Keidanren, CMC Japan đã tham gia thành lập Hiệp hội Chuyển đổi số Việt Nam - Nhật Bản (VADX Japan).
Phó Chủ tịch Keidanren, ông Masazaku Kubota, cho biết AI được ứng dụng dưới nhiều hình thức và hiện tại các doanh nghiệp Nhật Bản đang trong giai đoạn nỗ lực tìm kiếm xem AI có thể ứng dụng trong lĩnh vực nào. Ông tin rằng nếu các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu công nghệ mới, dịch vụ mới trong giai đoạn này, các doanh nghiệp Nhật Bản có thể ứng dụng các công nghệ và dịch vụ đó.
Tập đoàn CMC, có hơn 5.000 nhân viên, đạt quy mô công ty khu vực với doanh số và giá trị công ty vào khoảng 400 triệu USD. Trong đó, CMC Japan là đại diện tại Nhật Bản - thị trường công nghệ thông tin được đánh giá có quy mô chỉ sau Mỹ (theo báo cáo của Gartner) - chiếm khoảng 30% tổng nguồn lực. Trong 7 năm qua, CMC Japan đã xây dựng mối quan hệ hợp tác chiến lược với nhiều tập đoàn lớn, giúp doanh nghiệp giải quyết các thách thức và nâng cao vị thế trong nền kinh tế số của Nhật Bản.
Với tầm nhìn bền vững, CMC hướng tới hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm để thực hiện chiến lược Chuyển đổi AI thành công lâu dài, khẳng định vị thế trong ngành công nghiệp AI tại Việt Nam và toàn cầu.
* NGUỒN THAM KHẢO
Bài viết: Tập đoàn công nghệ của Việt Nam thúc đẩy chiến lược chuyển đổi AI tại Nhật Bản ?
Báo: baotintuc
Ngày:18/09/2024
Link đến bài gốc: Tập đoàn công nghệ của Việt Nam thúc đẩy chiến lược chuyển đổi AI tại Nhật Bản | baotintuc.vn
* CƠ HỘI VIỆC LÀM
Nhà tuyển dụng: Công Ty TNHH Vietseiko
Link việc làm: Danh sách việc làm tại Việt Nam
Ngày 28/7, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Bá Hoan làm việc với ông Kishimoto Shuhei, Thống đốc tỉnh Wakayama (Nhật Bản), đồng thời chứng kiến lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác khung pháp lý cơ bản giữa Cục Quản lý lao động ngoài nước và tỉnh Wakayama về tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc.
Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan hoan nghênh và đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm Việt Nam lần này của Thống đốc tỉnh Wakayama Kishimoto Shuhei cùng đoàn đại biểu trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1973-2023).
Nhấn mạnh quan hệ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản đang ở giai đoạn phát triển tốt đẹp, xứng tầm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á, Thứ trưởng bày tỏ tin tưởng thời gian tới mối quan hệ hợp tác này ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan, đến hết tháng 12/2022, tổng số lao động Việt Nam sinh sống và làm việc ở Nhật Bản khoảng 345.000 người, trong đó có 200.000 thực tập sinh kỹ năng, 78.000 lao động kỹ năng đặc định, 65.000 kỹ sư, phiên dịch… Trong 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã đưa trên 72.000 người lao động đi làm việc ở nước ngoài, riêng Nhật Bản là hơn 35.000 người.
Để tiếp tục thúc đẩy hợp tác giữa hai bên, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan mong muốn tỉnh Wakayama quan tâm hơn đến đào tạo nghề, an sinh cho lao động Việt Nam làm việc tại địa phương; đồng thời đề nghị Thống đốc Kishimoto Shuhei và các doanh nghiệp có thêm các giải pháp nhằm tăng số lượng thực tập sinh kỹ thuật, lao động Việt Nam sang làm việc.
Thống đốc Kishimoto Shuhei cảm ơn Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã tích cực phối hợp, hỗ trợ tỉnh Wakayama triển khai các hoạt động trong thời gian qua; đồng thời cho biết, Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực cải thiện môi trường làm việc cho lao động nước ngoài, trong đó có lao động Việt Nam. "Trong chuyến thăm Việt Nam lần này, chúng tôi rất vui mừng khi có cơ hội ký kết bản ghi nhớ. Tôi cũng có dịp trò chuyện với sinh viên Việt Nam. Tỉnh Wakayama nói riêng và Nhật Bản nói chung đang hướng đến việc tiếp nhận nguồn nhân lực chất lượng cao này", ông Kishimoto Shuhei nhấn mạnh.
Ngay sau buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan đã chứng kiến lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác khung pháp lý cơ bản giữa Cục Quản lý lao động ngoài nước và tỉnh Wakayama về tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản.
Thông qua Bản ghi nhớ khung về hợp tác lao động giữa hai bên, người lao động Việt Nam có thể thực tập và làm việc trong khuôn khổ luật pháp Việt Nam và Nhật Bản, phát huy thế mạnh mỗi bên, cùng có lợi trong hoạt động hợp tác. Chính quyền tỉnh Wakayama sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong xây dựng các cơ chế trợ giúp, quan tâm đối với người lao động Việt Nam thực tập và làm việc tại địa bàn tỉnh. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ tạo dựng các kênh liên lạc để nắm tình hình và hợp tác giải quyết các phát sinh, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam làm việc tại đây.
Hiện do sự thiếu hụt nguồn nhân lực, tỉnh Wakayama có chủ trương đẩy mạnh việc đào tạo, tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam, lao động kỹ năng đặc định và lao động là kỹ sư sang thực tập, làm việc tại Nhật Bản.
Tỉnh Wakayama là một trong 47 tỉnh của Nhật Bản, có 9 thành phố, thủ phủ là thành phố Wakayama. Tỉnh có thế mạnh về các ngành nông nghiệp, thủy sản, hàng năm thu hút rất nhiều thực tập sinh tới đây làm việc.
Năm 2022, tổng số lao động nước ngoài sang tỉnh Wakayama làm việc là 3.390 người, trong đó lao động Việt Nam có 1.178 người (chiếm 34%).
* NGUỒN THAM KHẢO
Bài viết: Việt Nam - Nhật Bản thúc đẩy hợp tác về lao động, việc làm ?
Báo: baotintuc
Ngày:29/07/2024
Link đến bài gốc:https: //baotintuc.vn/thoi-su/viet-nam-nhat-ban-thuc-day-hop-tac-ve-lao-dong-viec-lam-20230728172305925.htm
* CƠ HỘI VIỆC LÀM
Nhà tuyển dụng: Công Ty TNHH Vietseiko
Link việc làm: Danh sách việc làm tại Việt Nam
Ngày 11/9, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Thanh Bình đã tiếp Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki đến trao điện thăm hỏi của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về ảnh hưởng của cơn bão số 3 (có tên quốc tế Yagi) tại Việt Nam trong những ngày qua.
Trong bức điện, Thủ tướng Kishida bày tỏ chia buồn sâu sắc tới các gia đình có người bị nạn tại các khu vực chịu ảnh hưởng của cơn bão, nhấn mạnh Chính phủ Nhật Bản luôn đồng hành và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả để sớm ổn định lại cuộc sống.
Đại sứ Nhật Bản Ito cho biết, thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), hiện Chính phủ Nhật Bản đang xem xét tích cực việc hỗ trợ trang vật tư phục vụ công tác khắc phục hậu quả cơn bão trên cơ sở nhu cầu của phía Việt Nam.
Đại sứ thông tin thêm hiện chưa nhận bất cứ thông tin nào về công dân Nhật Bản gặp nạn do cơn bão, đồng thời bày tỏ mong muốn Chính phủ, các địa phương Việt Nam tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam sớm khôi phục các hoạt động sản xuất.Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Phạm Thanh Bình bày tỏ cảm kích trước tình cảm chân thành, sự chia sẻ, sẵn sàng hỗ trợ của lãnh đạo và nhân dân Nhật Bản dành cho lãnh đạo và nhân dân Việt Nam đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão, thể hiện tình cảm hữu nghị gắn bó, tương thân tương ái giữa hai dân tộc Việt Nam và Nhật Bản.
Thứ trưởng Phạm Thanh Bình nhấn mạnh, dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ban, ngành và địa phương đang tích cực huy động các lực lượng và nguồn lực, tập trung cứu chữa những người bị thương, bị nạn, triển khai các lực lượng cứu hộ, cứu nạn tiếp cận với những khu vực đang bị cô lập, bảo đảm các điều kiện về điện và nước cho người dân và doanh nghiệp, nỗ lực sớm ổn định tình hình và đưa mọi hoạt động trở lại bình thường.
Cùng ngày, thông báo từ Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, theo yêu cầu của Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định cung cấp hàng cứu trợ khẩn cấp (gồm máy lọc nước và tấm nhựa) thông qua JICA cho Việt Nam nhằm khắc phục thiệt hại do bão gây ra.
Theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, xuất phát từ góc độ nhân đạo và mối quan hệ chặt chẽ giữa hai nước, Nhật Bản đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam để hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
* NGUỒN THAM KHẢO
Bài viết: Nhật Bản cung cấp hàng cứu trợ khẩn cấp cho Việt Nam khắc phục thiệt hại bão số 3 ?
Báo: nhandan
Ngày:29/08/2024
Link đến bài gốc: https://nhandan.vn/nhat-ban-cung-cap-hang-cuu-tro-khan-cap-cho-viet-nam-khac-phuc-thiet-hai-bao-so-3-post830303.html
* CƠ HỘI VIỆC LÀM
Nhà tuyển dụng: Công Ty TNHH Vietseiko
Link việc làm: Danh sách việc làm tại Việt Nam
Hàng triệu người dân Nhật Bản được yêu cầu sơ tán khi bão Shanshan tấn công vào khu vực Tây Nam nước này.
- Siêu bão Shanshan đổ bộ Nhật Bản, hàng chục người bị thương, nhiều chuyến bay bị hủy
- Bão Shanshan “rất mạnh” có thể đổ bộ vào Kyushu (Nhật Bản) hôm 29/8, mang theo mưa rất lớn
- Siêu bão Shanshan sắp đổ bộ Nhật Bản, nguy cơ gây gián đoạn hệ thống giao thông
Bão Shanshan đã đổ bộ vào đảo Kyushu ở phía Nam Nhật Bản vào sáng 29/8 (theo giờ địa phương), làm gián đoạn các chuyến bay, dịch vụ tàu hỏa và hoạt động của một số nhà máy. Với sức gió lên tới 252 km/h, bão Shanshan là một trong những cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào đất liền Nhật Bản kể từ năm 1960.
Liên quan tới bão Shanshan, 3 thành viên trong cùng một gia đình đã thiệt mạng trong một trận lở đất, 1 người mất tích và ít nhất 80 người bị thương.
Hãng hàng không Japan Airlines và All Nippon Airways đã hủy hơn 1.000 chuyến bay nội địa và 4 chuyến bay quốc tế vào ngày 29/8 và 30/8, ảnh hưởng đến hơn 44.000 hành khách. Singapore Airlines đã hoãn 2 chuyến bay đến và đi từ sân bay Fukuoka.
Các nhà khai thác đường sắt đã đình chỉ hầu hết các chuyến tàu cao tốc Shinkansen giữa Hakata trên đảo Kyushu và thành phố Tokyo. Hầu hết dịch vụ bị ảnh hưởng đều ở các địa phương phía Tây Nhật Bản, cụ thể là Kyushu, Chugoku và Shikoku.
Bão đã hạ cấp nhưng cơn bão di chuyển chậm này dự kiến sẽ tiếp cận các khu vực miền Trung và miền Đông Nhật Bản - bao gồm cả Tokyo - vào khoảng cuối tuần này. Cơ quan Khí tượng Nhật Bả đã ban hành cảnh báo bão khẩn cấp mức cao nhất, khi dự kiến xảy ra thảm họa do bão có quy mô chỉ diễn ra hàng chục năm một lần.
Không giống như cảnh báo mưa lớn, cảnh báo khẩn cấp về bão thường được công bố khoảng 12 giờ trước khi tâm bão dự kiến sẽ đến, qua đó giúp người dân có thời gian sơ tán. Đối với bão Shanshan, cảnh báo khẩn cấp đã được ban hành vào ngày 29/8 khi Cơ quan Khí tượng Nhật Bản khuyến báo về lũ lụt, lở đất và gió mạnh có thể thổi bay một số ngôi nhà.
"Cần hết sức thận trọng vì dự báo có gió mạnh, sóng lớn và thủy triều cao chưa từng thấy cho đến nay" - ông Satoshi Sugimoto, Giám đốc dự báo của Cơ quan Khí tượng Nhật Bản, phát biểu tại một cuộc họp báo.
Cơ quan thời tiết Nhật Bản đã cảnh báo rằng "nguy cơ xảy ra thảm họa do mưa lớn có thể nhanh chóng leo thang" ở phía Tây nước này hôm 30/8. Hơn 5 triệu người dân Nhật Bản đã được khuyến cáo sơ tán. Chính quyền thành phố Kunisaki ở vùng Oita của đảo Kyushu đã cảnh báo người dân "sơ tán đến nơi an toàn hoặc nơi cao hơn như tầng hai của ngôi nhà" do nguy cơ lũ lụt.
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản cho biết ít nhất 80 người đã bị thương trên khắp Kyushu.
Theo Đài Phát thanh - Truyền hình công cộng NHK, trong vòng 24 giờ cho đến đêm 30/8, lượng mưa có thể lên tới 400 mm ở Shikoku, 300 mm ở phía Bắc Kyushu và Tokai, 250 mm ở Kanto-Koshin, 200 mm ở Chugoku và Kinki, 150 mm ở phía Nam Kyushu.
* NGUỒN THAM KHẢO
Bài viết: Bão Shanshan là một trong những cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Nhật Bản trong nhiều thập kỷ ?
Báo: vtv
Ngày:29/08/2024
Link đến bài gốc: https://vtv.vn/the-gioi/bao-shanshan-la-mot-trong-nhung-con-bao-manh-nhat-do-bo-vao-nhat-ban-trong-nhieu-thap-ky-20240830120346593.htm
* CƠ HỘI VIỆC LÀM
Nhà tuyển dụng: Công Ty TNHH Vietseiko
Link việc làm: Danh sách việc làm tại Việt Nam
Trong 7 tháng năm 2024, kim ngạch thương mại hai chiều giữa TP.HCM và Nhật Bản đạt 2,21 tỷ USD, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó kim ngạch xuất khẩu của TP.HCM sang Nhật Bản đạt 1,3 tỷ USD, tăng 6%…
Gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản.
Thông tin trên được ông Trần Phú Lữ, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM (ITPC), cho biết tại hội thảo "Thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản và các quy chuẩn để tiếp cận hệ thống phân phối Aeon Việt Nam".
Sự kiện do ITPC phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Aeon Topvalu và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Aeon Việt Nam tổ chức vào chiều 26/8, với mục đích hỗ trợ doanh nghiệp trong việc mở rộng thị trường xuất khẩu sang Nhật Bản và cập nhật các quy chuẩn của hệ thống phân phối AEON.
Năm 2024, nhiều hoạt động quan trọng nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa TP.HCM và Nhật Bản, điển hình là chuỗi hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch và sự kiện "Ngày Thành phố Hồ Chí Minh tại Osaka, Nhật Bản" vào tháng 5 và chương trình kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam với nhà nhập khẩu, nhà phân phối Nhật Bản và giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại hệ thống phân phối hiện đại Aeon Nhật Bản vào tháng 6 do ITPC tổ chức.
Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc ITPC phát biểu tại hội thảo "Thúc đẩy xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản và các quy chuẩn để tiếp cận hệ thống phân phối Aeon Việt Nam.
Theo kế hoạch, ngày 12-15/12, ITPC sẽ tổ tiếp tục chức Triển lãm sản phẩm doanh nghiệp Việt và Hội nghị kết nối doanh nghiệp đưa hàng vào chuỗi siêu thị AEON năm 2024 tại AEON Mall Tân Phú.
Tại hội thảo, đại diện Tham tán thương vụ Việt Nam tại Osaka Nhật Bản, cho biết những nhóm hàng hóa Việt Nam được đánh giá có tiềm năng xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản là dệt may; phương tiện vận tải và phụ tùng; máy móc, thiết bị, dụng cụ; gỗ và các sản phẩm gỗ, hàng thủy sản; điện thoại và linh kiện… Hiện, Việt Nam chỉ chiếm khoảng 3% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản nên dư địa và cơ hội còn rất lớn.
Bên cạnh đó, tại Nhật Bản, số lượng người Việt Nam hiện đang sinh sống, học tập và làm việc là khoảng 500 nghìn người. Đây cũng là một lực lượng người tiêu dùng tiềm năng và đồng thời mở ra nhiều cơ hội cho các sản phẩm thực phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản.
Theo ông Fukui Tomoaki, Giám đốc cấp cao bộ phận thương mại Công ty Trách nhiệm hữu hạn AEON TOPVALU Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo các quy định tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm từ quy trình canh tác, thu hoạch, bảo quản đến sản xuất chế biến đến đóng bao bì, lưu thông, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, thân thiện môi trường… Đặc biệt, cần tăng cường tham gia các hoạt động, chương trình quảng bá, xúc tiến, giới thiệu sản phẩm tại Nhật Bản để có cơ hội gia tăng thị phần, hướng đến mục tiêu chinh phục khách hàng Nhật Bản.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Nhật Bản trong 7 tháng năm 2024 ước đạt 25,87 tỷ USD, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản ước đạt 13,46 tỷ USD, tăng 2,8% so với cùng kỳ.
Trong nhiều năm, Nhật Bản là đối tác kinh tế - thương mại quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) như: Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện ASEAN - Nhật Bản (AJCEP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản (VJEPA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) đã tạo ra những khuôn khổ hợp tác thiết thực, thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư và kinh doanh giữa Việt Nam và Nhật Bản.
* NGUỒN THAM KHẢO
Bài viết: TP.HCM hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng thị trường Nhật Bản ?
Báo: baomoi
Ngày:20/08/2024
Link đến bài gốc: TP.HCM hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu mở rộng thị trường Nhật Bản - Tạp chí VnEconomy (baomoi.com)
* CƠ HỘI VIỆC LÀM
Nhà tuyển dụng: Công Ty TNHH Vietseiko
Link việc làm: Danh sách việc làm tại Việt Nam